Hướng tới phục vụ người dân
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, Mạng kết nối y tế là mạng nội bộ của ngành y tế, tích hợp nhiều nội dung như bệnh án, đơn thuốc, hình ảnh để y bác sỹ có thể chia sẻ thông tin. Tất cả y bác sỹ toàn quốc sẽ kết nối vào hệ thống này, giúp thực hiện mục tiêu bác sỹ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho bác sỹ tuyến dưới.
Với Nền tảng quản lý y tế cơ sở V20, Bộ trưởng Long cho biết, đây là nền tảng do VinaPhone và Viettel hợp tác với Bộ Y tế nhằm số hóa và kết nối dữ liệu y tế của gần 12.000 trạm y tế trên cả nước, trong đó VinaPhone hỗ trợ hơn 7000 trạm, Viettel hơn 4000 trạm. Nền tảng này sẽ giúp tất cả các trạm y tế trên cả nước không cần phải sử dụng sổ sách đồng thời sử dụng duy nhất một hệ thống công nghệ thông tin, giúp liên thông kết nối với nhau và với tuyến trên.
Giải pháp quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS do Tập đoàn VNPT thiết kế và vận hành, được áp dụng tại 7.500 cơ sở y tế.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, những thành quả nói trên là sự tiếp nối nhiều thành tựu trong chuyển đổi số y tế năm 2020. Thực tế trong năm 2020, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh nhanh chóng tiến hành số hóa và tiến tới chuyển đổi số, đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Nhờ đó, đã thu được những kết quả nhất định.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020 thì giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên. Đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, cũng là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Và cũng vì thế mà chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả nhất.
“Y tế số thì có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này”, Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu đến 2025, sẽ duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Hướng tới 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, 100 % các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam và 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Trung tâm Điều hành Y tế Thông minh hỗ trợ tích cực các địa phương trong việc quản lý, giám sát hoạt động y tế
Bốn xu hướng của chuyển đổi số trong y tế
Theo ông Lê Đặng Đăng Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Điện tử VNPT- đơn vị tham gia triển khai hàng loạt giải pháp số trong lĩnh vực y tế, hiện nay có 4 xu hướng của y tế số gồm: một là, nâng cấp các hệ thống quản lý y tế với việc các hệ thống bắt buộc phải thay đổi để phù hợp với xu hướng và yêu cầu thực tế. Các cơ sở y tế sẽ chuyển dần từ việc số hóa sang quản trị thông minh. Hai là, quản lý, giám sát và theo dõi sức khỏe từ xa, ba là chăm sóc sức khỏe, lối sống người dân và bốn là, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nắm bắt được xu hướng này, ông Khoa cho biết, VNPT đã xây dựng hệ sinh thái y tế số với hàng loạt nền tảng và ứng dụng được triển khai, tiêu biểu như VNPT HMIS- hệ thống thông tin quản lý y tế được sử dụng để kết nối đến Nền tảng tích hợp dữ liệu y tế cơ sở V20. Hệ thống này được xây dựng với đầy đủ các tính năng đáp ứng công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng cho trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hệ thống VNPT HMIS tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích đối với người dân, các cơ sở y tế, cơ quan quản lý. Giải pháp này đã được áp dụng cho hơn 7500 cơ sở y tế xã, phường, thị trấn với trên 3 triệu lượt khám chữa bệnh hàng tháng.
Ông Khoa cho biết thêm, VNPT cũng đã triển khai thành công các dịch vụ công nghệ thông tin cho các Sở y tế, Cơ sở y tế rộng khắp trên Toàn quốc. Trong đó có đến 60 tỉnh, thành phố đã sử dụng các giải pháp trong hệ sinh thái Y tế số của VNPT như Trung tâm điều hành y tế, Giải pháp quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS, Giải pháp quản lý trạm y tế xã phường VNPT HMIS, Giải pháp quản lý Khoa xét nghiệm VNPT LIS, Giải pháp quản lý khoa chẩn đoán hình ảnh VNPT RIS/PACS, Giải pháp bệnh án Điện tử.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga - Tổng Giám đốc V-startup chia sẻ, Châu Á cũng như thế giới đang chứng kiến sự phát triển của các công ty về lĩnh vực công nghệ y tế, thị trường công nghệ y tế toàn cầu được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% từ năm 2020 đến năm 2027. Chi tiêu y tế tại Việt Nam được BMI dự báo sẽ đạt giá trị 22,7 tỉ USD vào năm 2021. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp số tại Việt Nam.