Buông lỏng quản lý kinh doanh xăng dầu

Câu chuyện giá xăng vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: Hồng Vĩnh
Câu chuyện giá xăng vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Các bộ thường đứng về phía doanh nghiệp trực thuộc, vừa đá bóng vừa thổi còi; vì vậy, cần tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý sản xuất kinh doanh, nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Trần Xuân Giá nói.

> Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ thì dở, giữ thì không hay

Câu chuyện giá xăng vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: Hồng Vĩnh
Câu chuyện giá xăng vẫn chưa hạ nhiệt. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Xung quanh cuộc tranh cãi về kinh doanh xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương mới đây, ông Giá nói: “Trước hết, tôi hoàn toàn ủng hộ cách hành xử của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bởi lẽ Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm đúng chức trách được giao là quản lý tài chính, giá cả (Cục Quản lý giá nằm trong Bộ Tài chính)...

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã xuất phát từ lợi ích của gần 90 triệu dân Việt Nam, chứ không phải lợi ích cục bộ của một nhóm doanh nghiệp để giải quyết vấn đề. Người dân rất mong và hy vọng các bộ trưởng khác cũng làm như vậy đối với lĩnh vực được giao quản lý”.

Vượt qua chính mình: Không lo mất ghế

Dư luận nghi ngờ trong câu chuyện giá xăng dầu có sự thao túng của nhóm lợi ích. Từng là Bộ trưởng KH&ĐT, ông nhìn nhận thế nào về sự chi phối của cái tạm gọi là nhóm lợi ích và làm sao để vượt qua nó?

Thực ra, nhóm lợi ích không phải bây giờ mới xuất hiện, hồi tôi làm Bộ trưởng không phải không có nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích có sức chi phối lớn. Và tôi nhận thấy nhóm lợi ích (hiểu theo nghĩa chạy theo vật chất tầm thường) có vẻ như đang muốn chi phối giá xăng dầu, điện, giá than, giá thuốc trị bệnh và nhiều sản phẩm quan trọng khác. Những người nắm quyền quyết định chính sách vượt qua được chính mình, đặt quyền lợi của đất nước của người dân lên trên hết thì sẽ hành động được như Bộ trưởng Huệ. Tôi có ít nhiều kinh nghiệm thành công về vấn đề này,

Nhưng có một số ý kiến lo ngại, với năng lực chi phối của những đại gia quốc doanh, cạy cửa Bộ trưởng Bộ Tài chính không được, họ sẽ mở những cánh cửa cao hơn. Thậm chí có người còn ví von, Bộ trưởng Huệ đang xòe diêm soi giá xăng, rất “nguy hiểm”?

Tôi nói vượt qua chính mình chính là nói về vượt qua những cái “nguy hiểm” đó, chứ không nói vượt qua được sự cám dỗ của vật chất tầm thường. Vượt qua nỗi sợ cái quyền sinh quyền sát của cấp, của người quyết cái ghế của mình để làm những việc có lợi cho dân, cho nước còn khó hơn nhiều lần vượt qua cám dỗ vật chất.

Nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Trần Xuân Giá
Nguyên Bộ trưởng KH&ĐT Trần Xuân Giá .
 

Qua cuộc đối thoại giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương liên quan kinh doanh xăng dầu, ông nhận thấy điều gì?

Qua các thông tin được công bố công khai, tôi giật mình về sự buông lỏng (hoặc chủ động buông lỏng để mưu cầu lợi ích cục bộ) trong quản lý kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là quản lý chi phí nhập khẩu, chi phí lưu thông (chi phí vận chuyển, chiết khấu lưu thông…).

Điều nhiều người băn khoăn là quản lý chi phí sản xuất (nhập khẩu), lưu thông đối với kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực quản lý dễ dàng hơn nhiều so với quản lý các hàng hóa khác (được tách bạch rõ ràng loại xăng dầu cụ thể từ khâu ký hợp đồng mua bán, đến vận chuyển, đến khâu bán cho người tiêu dùng cuối cùng).

Vậy mà lãnh đạo Petrolimex trả lời không tách bạch được lỗ lãi cụ thể đối với từng loại xăng dầu (?!). Câu hỏi đặt ra là các lĩnh vực kinh doanh khác có quản lý chi phí theo kiểu đó không? Tôi xin kiến nghị Bộ Tài chính cho kiểm tra để chấn chỉnh kịp cách quản lý của cả hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Buông lỏng quản lý ở đây còn thể hiện ở chỗ đáng lẽ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải có tiếng nói chung, đằng này lại là hai tiếng nói trái ngược nhau. Đó là điều kỳ quặc.

Ông nói giá xăng dầu là lĩnh vực dễ tính toán và không khó quản lý nhưng tại sao đến nay nó vẫn là cái “hộp đen”?

Tôi cho rằng, vì vấn đề công khai, minh bạch vẫn chưa đến với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nếu có đủ các báo cáo tài chính định kỳ, ít nhất là theo quy định hiện hành và nếu thực hiện việc kiểm toán, kể cả kiểm toán độc lập, theo thông lệ và theo quy định thì chắc sẽ không có sự tranh cãi, phải cử đoàn này, đoàn nọ đi thanh tra để phân định “thắng thua” như đang diễn ra.

Trong vấn đề này có thể Bộ Tài chính hình như cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong việc yêu cầu (bắt buộc) các doanh nghiệp xăng dầu phải nộp báo cáo tài chính định kỳ, khi họ nộp thì phải đọc kỹ và phải kiểm tra để ít nhất là phát hiện những điều bất thường trong sản xuất kinh doanh của họ.

Nếu Petrolimex công khai minh bạch lỗ lãi thì tại sao các báo cáo lại khác nhau. Tại sao khi trong báo cáo cho các nhà đầu tư để IPO (chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên) lên sàn chứng khoán thì Petrolimex lại báo cáo lãi nhưng báo cáo lên Bộ Tài chính lại báo cáo lỗ? Đó là điều bất thường.

Điều hành giá xăng dầu phải xuất phát từ lợi ích của gần 90 triệu dân, chứ không phải lợi ích cục bộ của một nhóm doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Phú
Điều hành giá xăng dầu phải xuất phát từ lợi ích của gần 90 triệu dân, chứ không phải lợi ích cục bộ của một nhóm doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Phú.
 

“Tổng giám đốc của những tổng giám đốc”

Nhưng phải chăng nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này là sự nhập nhằng, chồng chéo giữa quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh?

Cuộc tranh cãi giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về vấn đề giá xăng dầu làm cho người ta nhớ lại một vấn đề rất lớn đã đặt ra và nói đi, nói lại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, thậm chí có nơi chưa đi vào cuộc sống. Đó là vấn đề tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý sản xuất kinh doanh.

Qua phát biểu của người đại diện Bộ Công Thương, người nghe có cảm giác họ không phải đại diện của bộ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, mà chỉ là người phát ngôn của doanh nghiệp, hay nói nặng nề hơn một chút, họ chỉ là “Tổng giám đốc của những tổng giám đốc” mà thôi. Nhà nước dứt khoát không kinh doanh. Nhà nước kinh doanh là vừa đá bóng vừa thổi còi.

Tình hình này hình như cũng đang xảy ra ở các bộ khác: Bộ Xây dựng thường đứng về phía các doanh nghiệp xi măng, Bộ GTVT đứng về phía các công ty cầu đường, các công ty vận tải… Vậy ai đứng về phía dân? Nếu đây là tình trạng chung của các bộ có các doanh nghiệp trực thuộc thì là điều đáng báo động.

Hồi làm Bộ trưởng KH&ĐT, chỉ đạo xây dựng Luật Doanh nghiệp, tôi muốn xây dựng luật theo tinh thần trên đầu doanh nghiệp chỉ có luật. Các Bộ quản lý nhà nước phải là người điều hòa lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng; lợi ích của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, của các tầng lớp dân cư…Còn những gì diễn ra ở cuộc đối thoại giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, tôi có cảm giác một số quan chức Bộ Công Thương đang đi “đấu” cho lợi ích cục bộ của doanh nghiệp trực thuộc bộ mình.

Phùng Nguyên

Doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch hóa

TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Quốc hội đã có Luật Cạnh tranh, pháp lệnh về giá cũng có, bây giờ Chính phủ phải thực thi theo đúng tinh thần các luật đã ban hành, chỗ nào Luật, pháp lệnh chưa ổn thì kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa. Quốc hội chắc chắn cũng phải có trách nhiệm giám sát vấn đề này.

Tôi cho rằng, không chỉ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà tôi đề nghị Chính phủ bây giờ phải công khai minh bạch các hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước giống như doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thủ tướng khi nhậm chức cũng đã nêu vấn đề này. Các doanh nghiệp Nhà nước dùng tiền thuế của dân thì phải minh bạch hoạt động, minh bạch tài chính giống như các đơn vị trên thị trường chứng khoán. Nếu được như vậy thì mọi thứ sẽ minh bạch hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp có thể phải bồi thường

TS Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (VINASTAS): Không cứ mặt hàng xăng dầu, những gì độc quyền đều khiến người dân phải chịu thiệt thòi. Ở nhiều nước, một chính sách về giá do Nhà nước hoặc tổ chức nào đó quyết định thì Hội Người tiêu dùng sẽ được tham gia tư vấn, tham khảo ý kiến.

Nhưng VINASTAS thì từ xưa nay không được tham khảo, hỏi han gì. Chỉ khi sự việc xảy ra rồi, người tiêu dùng gửi khiếu nại lên, VINASTAS mới có cơ hội gửi công văn tới các cơ quan cấp trên để thay người tiêu dùng bày tỏ chính kiến và đòi quyền lợi.

Về quyền của người tiêu dùng, điểm 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: Người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng mua và sử dụng.

Nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại tới tài sản của người tiêu dùng, tổ chức đó phải có trách nhiệm bồi thường theo điều 23 của Luật này. Cái khó là bồi thường theo cách thức nào thì hiện chưa có cơ chế rõ ràng.

Mỹ Hằng - Cao Nhật

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG