Buông lỏng quản lý đất rừng tại Đắk Nông

Buông lỏng quản lý đất rừng tại Đắk Nông
TP - Công tác quản lý, sử dụng đất đai có biểu hiện buông lỏng trong thời gian dài, nhiều sai phạm khuyết điểm. Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém, nhiều héc ta rừng bị phá...

Đó là một phần nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc quản lý, sử dụng đất đai; tập trung vào giao đất, giao rừng và một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2004 - 2011.

Theo TTCP, do công tác quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) tại địa phương này thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, phát sinh sai phạm.


Trong đó có nhiều dự án, công trình sử dụng đất không đúng quy hoạch; một số công trình được giao quy hoạch, giao đất nhưng không triển khai. Việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng đất đai không đúng quy hoạch, kế hoạch ở nhiều chỉ tiêu; tổ chức thực hiện quy hoạch 3 loại rừng không đạt yêu cầu, mang tính đối phó.

Qua thanh tra cho thấy, việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, bảo vệ rừng ở các Cty một thành viên lâm nghiệp bị buông lỏng. Các đơn vị chủ yếu giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ, thậm chí sản xuất kinh doanh trong rừng dẫn tới nguy cơ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, sử dụng sai mục đích, thất thu ngân sách và thực tế có nhiều diện tích rừng bị phá. TTCP xác định trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh và các giám đốc Sở liên quan.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cho thuê đất, giao đất, giao rừng cho 39 doanh nghiệp tư nhân để thực hiện 40 dự án trồng cao su, trồng rừng, song hầu hết những doanh nghiệp này đều yếu kinh tế lẫn kỹ thuật.

Đáng chú ý, địa phương này còn ưu đãi tiền thuê đất (hàng chục năm sau mới phải nộp tiền thuê), ưu đãi không phải thuê rừng đối với các doanh nghiệp…

TTCP cho rằng, trong một thời gian dài, việc quản lý đất, đất rừng của nông, lâm trường đã bộc lộ sự bất cập về cơ chế, về tổ chức, dẫn đến hậu quả mất đất, mất rừng với tình trạng trầm trọng.

Đáng chú ý, đoàn thanh tra còn phát hiện nhiều dự án thu hồi đất trong đó đang có người dân sinh sống, làm ăn ổn định nhưng không có phương án đảm bảo tái định cư, tái định canh cho người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Điển hình là việc khiếu kiện về thu hồi đất ở, đất sản xuất của bà con vùng kinh tế mới từ miền Bắc chuyển vào tại huyện Đắk Mil. Đặc biệt, có 76 hộ dân khiếu nại trên 25 năm nhưng chậm được giải quyết, gây bức xúc, mất uy tín trong nhân dân…

Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh những sai phạm, tồn tại.

MỚI - NÓNG