Buôn bán, sản xuất nhỏ lên đời thành doanh nghiệp: Có bình mới rượu cũ?

Các hộ kinh doanh sẽ được tư vấn, hỗ trợ khi chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp (Mua bán tấp nập tại nhà sách Phi Vũ, quận 9). Ảnh: Huy Thịnh.
Các hộ kinh doanh sẽ được tư vấn, hỗ trợ khi chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp (Mua bán tấp nập tại nhà sách Phi Vũ, quận 9). Ảnh: Huy Thịnh.
TP - “Các địa phương không chạy theo chỉ tiêu khi thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN” - ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TPHCM nói với lãnh đạo các quận huyện, đồng thời chỉ đạo phải làm sao để việc chuyển đổi giúp các hộ phát triển bền vững, tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để các hộ phát huy chứ không bỏ mặc. 

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN không chỉ đủ điều kiện về lao động, nộp thuế mà còn góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng. 

“Dù đông nhưng tỷ lệ nộp thuế của hộ cá thể chỉ chiếm 2% so với 98% của DN nên chất lượng tăng trưởng không có, buôn bán nhỏ lẻ không hiệu quả” - ông Tuyến nói đồng thời chỉ đạo ngành thuế rà soát hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố, thực hiện phân loại và có biện pháp tác động, vận động để các cơ sở, hộ kinh doanh có số thu lớn, lâu nay vẫn nộp thuế theo phương pháp khoán và mua hóa đơn quyển từ cơ quan thuế chuyển đổi thành DN.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế phải tăng cường kiểm tra việc kê khai và nộp thuế của các hộ kinh doanh cá thể, nhất là các nhà hàng, quán ăn, khắc phục bất cập trong công tác quản lý. Đó là cơ quan quản lý làm việc theo giờ hành chính, thời điểm này các nhà hàng, quán ăn thường vắng khách.

“Đây cũng là biện pháp giải quyết tình trạng cán bộ thuế “đồng hành” không lành mạnh, hướng dẫn cơ sở kinh doanh nộp thuế ít nhất nhằm trục lợi. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo là phải chuyển đổi nhằm tránh thất thu”, ông Tuyến nói. Để tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”, ông Tuyến yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương không chạy theo chỉ tiêu mà tạo điều kiện thuận lợi để sau khi chuyển đổi, DN có thể phát huy hết khả năng, tiềm năng, phát triển bền vững. 

“Nên chọn lĩnh vực để làm và tư vấn từng lĩnh vực cụ thể để hộ có thể phát triển được và phát triển mạnh. Đơn cử như có nhiều hộ kinh doanh ở quận 12, Thủ Đức, có mặt bằng vài nghìn mét vuông, nếu chuyển đổi, tăng lao động và đầu tư vốn, quy mô, công nghệ thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn. Phải hỗ trợ người dân đến nơi đến chốn. Khảo sát xong, ép chuyển đổi rồi buông là không được”, ông Tuyến lưu ý.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, đã trình văn bản đến UBND TP, đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới chuyển đổi và đang đợi UBND trả lời. 

“Nếu tờ trình được thông qua, chắc chắn sở sẽ có rất nhiều chương trình tiếp sức có lợi cho DN” - bà Minh nói. Tuy nhiên, lãnh đạo sở nói trở ngại hiện nay là thủ tục hành chính về giải thể hộ kinh doanh và đăng ký DN là các vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý của hộ kinh doanh do đa phần các chủ hộ không có kiến thức về Luật DN và các quy định liên quan.

 Các chủ hộ kinh doanh không có kinh nghiệm về các thủ tục, giấy tờ về thuế, quyết toán thuế và thay đổi chế độ kế toán (chuyển từ thuế khoán sang tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn), cách quản lý sổ sách kế toán (hóa đơn, chứng từ, giấy tờ khai thuế) gây khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý của các hộ khi vận động chuyển đổi.

Quyền của người kinh doanh

Luật sư Trương Xuân Tám - Phó trưởng Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định nên việc có chuyển đổi mô hình hay không là quyền của người kinh doanh. Vì lẽ đó, việc chuyển đổi này phải được dựa trên yếu tố tự nguyện, dựa trên mong muốn của người kinh doanh… chứ không thể ép buộc họ được. Tất nhiên, chính quyền TPHCM có quyền vận động người dân chuyển đổi mô hình kinh doanh để đảm bảo thúc đẩy nền kinh tế thành phố phát triển hơn.

MỚI - NÓNG