Buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Xuân Tùng |
Tối 27/5, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) Công đoàn - Chi đoàn Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn tổ chức sinh hoạt chuyên đề tháng 5 "Tìm hiểu về di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hoàng thành Thăng Long".
Dự chương trình có anh Nguyễn Thái An, Uỷ viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Thái Hà, Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn; chị Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Cùng tham dự có các đoàn viên các chi đoàn trong cơ quan T.Ư Đoàn.
Nhiều nội dung sinh hoạt đã được trao đổi, thảo luận. |
Tại đây, Công đoàn - Chi đoàn Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn đã tổ chức triển khai các nội dung sinh hoạt định kỳ tháng 5, thông tin, thảo luận về các chủ trương mới của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Công đoàn Cơ quan T.Ư Đoàn, Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn.
Buổi sinh hoạt cũng đã có các ý kiến về các công việc cần chuẩn bị và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ để chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Anh Nguyễn Thái An phát biểu tại buổi sinh hoạt. |
Phát biểu tại buổi sinh hoạt, anh Nguyễn Thái An biểu dương Công đoàn, Chi đoàn Ban đã có nhiều ý tưởng, sáng kiến trong việc tổ chức sinh hoạt; đề nghị Công đoàn - Chi đoàn tiếp tục phát huy và thời gian tới thực hiện tốt một số nhiệm vụ do Công đoàn và Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn giao; trọng tâm là các công trình, phần việc được giao để tổ chức Đại hội Đoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
"Cần xác định đây là nhiệm vụ của toàn chi đoàn, mỗi đoàn viên phải ý thức và trách nhiệm tham gia đầy đủ vào các công việc chuẩn bị cho đại hội", anh Nguyễn Thái An nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Thái An tặng quà lưu niệm chị Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. |
Với phương châm đổi mới hình thức sinh hoạt công đoàn - chi đoàn, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, Công đoàn - Chi đoàn Ban Tuyên giáo tổ chức đoàn viên đến nhiều "địa chỉ đỏ" như Khu di tích nơi tổ chức Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I (xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên); Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hoàng thành Thăng Long thông qua tour "Giải mã Hoàng thành".
Chị Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, tour "Giải mã Hoàng thành" được khởi động trở lại từ tháng 4/2022.
Chị Chi bày tỏ mong muốn sẽ nhận được những chia sẻ, phản hồi của đoàn sau hành trình trải nghiệm; đồng thời trung tâm luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các đoàn tổ chức sinh hoạt chuyên đề, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh thông tin và các hoạt động về Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoàng thành Thăng Long.
Các thành viên nghe giới thiệu thông tin về Khu di tích quốc gia đặc biệt Hoàng thành Thăng Long. |
Đúng 19h, các thành viên trong đoàn cùng với nhiều du khách bắt đầu tour "Giải mã Hoàng thành" từ Đoan Môn - cửa ra vào của Cấm thành và được giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, công năng của công trình.
Cổng Đoan Môn nơi bắt đầu tour "Giải mã Hoàng thành" |
Bước qua Đoan Môn, đoàn được trải nghiệm không gian Hoàng cung Thăng Long xưa, được thưởng thức tiết mục múa cổ trên mặt kính hố khai quật khảo cổ với hiệu ứng ánh sáng.
Hướng dẫn viên đã giới thiệu về hố khai quật khảo cổ học phát lộ các tầng lớp văn hóa chồng xếp lên nhau, với dấu tích của 3 triều đại Lý, Trần, Lê.
Tiết mục nghệ thuật trên mặt kính hố khai quật |
Tiếp đến là không gian trưng bày ý nghĩa và độc đáo của Hoàng thành Thăng Long với chiều dài lịch sử 1.300 năm, chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá và đặc sắc với chủ đề “Thăng Long Hà Nội-Lịch sử nghìn năm từ lòng đất” tại nhà trưng bày.
Đoàn nghe giới thiệu tại không gian trưng bày các hiện vật cổ trong Khu di tích |
Tại đây, đoàn cũng đã tham gia trò chơi giải mã Hoàng thành Thăng Long theo phương thức nhận diện các hiện vật tiêu biểu của 4 triều đại: Đại La, Lý, Trần, Lê và đóng dấu các hiện vật vào thẻ trò chơi.
Hoạt động dâng văn, dâng hương tại Điện Kính Thiên |
Tại Điện Kính Thiên, đoàn đã dâng hương tưởng nhớ Đức vua Lý Thái Tổ và các vị tiên đế đã có công khai sáng Kinh thành Thăng Long, dựng xây non sông Đại Việt; cầu cho quốc thái dân an, muôn nhà hạnh phúc, mọi người bình an.
Điểm tham quan cuối cùng là khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, được thiết kế hai điểm nhấn là: Trình chiếu hình ảnh bằng ánh sáng laser các hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long; trải nghiệm và lấy nước giếng Hoàng cung mang về.
Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu |