Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh sáng kiến của Nga. Vì sao Nga lại đưa ra sáng kiến trong thời điểm này? Và sáng kiến của ông Putin là để giải quyết nhiệm vụ nào?
Quan điểm từ phía Nga
Trong cuộc họp báo tổng kết Hội nghị nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) tổ chức tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), Tổng thống Vladimir Putin đã công bố sáng kiến đưa lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ vào khu vực xung đột tại Ukraine.
Theo sáng kiến mà ông Putin công bố, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ có thể xuất hiện tại Donbass với điều kiện nhiệm vụ của lực lượng này chỉ là đảm bảo an toàn cho phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Một yêu cầu khác của ông Putin là lính “mũ nồi xanh” chỉ được hiện diện ở đường giới tuyến, chứ không phải trên lãnh thổ hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR). Yêu cầu thứ ba: vấn đề đưa quân gìn giữ hòa bình “chỉ được thực hiện sau khi phân định hai bên và rút vũ khí hạng nặng”. Và yêu cầu thứ tư: phải thiết lập “liên lạc trực tiếp” với đại diện Donetsk và Lugansk để bố trí quân đội LHQ.
Ý tưởng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass được chính quyền Ukraine nêu lên ít nhất là từ tháng 2/2015. Từ đó đến nay, giới chức Nga luôn hoài nghi yêu cầu này. Ví dụ, mới đây, hôm 2/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia tuyên bố: “Đến ngày hôm nay chúng ta chỉ có hai định dạng thảo luận vấn đề Ukraine, đó là định dạng Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga, Ukraine) và nhóm Tiếp xúc (OSCE, Ukraine, Nga, DPR và LPR)
Tuyên bố (của Kiev) về sứ mệnh hòa bình nhắm tới mục đích phục vụ nhu cầu trong nước và là đòn ngụy trang của chính quyền Ukraine. Đó là âm mưu tạo ấn tượng về một tiến trình theo định dạng mới trong khi tiếp tục không thực hiện rõ ràng và dứt khoát kế hoạch giải quyết đã được quy định trong thỏa thuận Minsk”.
Theo ông Konstantin Kosachev-chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề quốc tế Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga), việc Tổng tống Vladimir Putin đề xuất đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) vào khu vực xung đột nhằm các mục đích sau:
Thứ nhất, sáng kiến này xóa bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng Nga không muốn thực hiện một điều kiện quan trọng về đảm bảo an toàn trước khi thực hiện các nội dung khác của thỏa thuận Minsk.
Thứ hai, sáng kiến này rất thực tiễn, và đđối với chính quyền Kiev nó đe dọa lập lại tình trạng yên tĩnh tại đường giới tuyến, tước đi của chính quyền Kiev cơ hội tuyên truyền về nhu cầu giả tạo chống lại thói hiếu chiến của Nga.
Thứ ba, ý tưởng này được thực hiện sẽ khiến cho kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương của Mỹ cho Ukraine trở thành thừa và không còn ý nghĩa. Vũ khí này sẽ để chống lại ai, lực lượng LHQ ư? Và, thứ tư, bằng tuyên bố này Nga đã giành lấy sáng kiến về mình và khiến cho Ukraine phải đi tìm lý lẽ biện luận cho việc vì sao không nên làm điều mà bản thân họ đã đề xuất”.
Phản ứng của Ukraine
Sau khi ông Putin đưa ra sáng kiến trên, chính quyền Kiev ngay lập tức đưa ra phản ứng với nội dung chủ yếu là "phản đối" đề xuất của phía Nga.
Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố đặc biệt, nhắc lại rằng "nhà nước xâm lược Nga luôn phá hoại đề xuất của Ukraine, từ chối xem xét đề nghị của chúng tôi (đưa quân vào Donbass) tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”.
Bộ này cũng nêu ra điều kiện ban đầu của Kiev: “Bất kỳ một sự hiện diện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế nào cũng phải nhằm mục đích rút tất cả các lực lượng chiếm đóng và lính đánh thuê cũng như vũ khí khỏi lãnh thổ Ukraine và đảm bảo kiểm soát chắc chắn biên giới Nga - Ukraine để ngăn chặn binh lính, vũ khí, kỹ thuật và tay súng đánh thuê từ Nga lọt sang”.
Về thành phần của lực lượng gìn giữ hòa bình, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng cho rằng “không thể có sự hiện diện của binh sĩ hoặc nhân sự khác của nước xâm lược trên lãnh thổ Ukraine dưới hình thức lực lượng gìn giữ hòa bình”.
Phó chủ tịch Quốc hội Ukraine Irina Gherashenko, người đại diện cho Ukraine tại nhóm Tiếp xúc, cũng có quan điểm tương tự. Bà gọi hình thức “phái bộ gìn giữ hòa bình” tại Donbass mà Tổng thống Nga tuyên bố là “không thể chấp nhận được”. Theo bà, phái bộ gìn giữ hòa bình phải hiện diện ở lãnh thổ Donbass không chịu quyền kiểm soát của Kiev, chứ không phải chỉ ở đường giới tuyến.
Aleksander Chernenko, đại biểu Quốc hội Ukraine từ khối “Khối Petro Poroshenko” cầm quyền đánh giá: “Moscow không hướng tới giải quyết vấn đề. Họ chỉ muốn giành sáng kiến từ phía Ukraine. Vì người đầu tiên đưa ra sáng kiến này, trước cả ông Putin, là Tổng thống Ukraine. Mục đích của Kremli là quy định pháp lý về đường giới tuyến, tách rời một phần lãnh thổ Ukraine. Tất nhiên, Kiev sẽ chống lại điều đó”.
Theo ý kiến của Igor Popov, một nghị sĩ khác của Ukraine đại diện cho phe đối lập, Tổng thống Poroshenko “ban đầu xem vấn đề gọi lực lượng gìn giữ hòa bình như cái cớ để trì hoãn việc trình ra Quốc hội dự luật về tái hội nhập Donbass và như một cách quảng bá cho riêng mình trên trường quốc tế và trong nước”. Đối với Kiev, bên luôn khẳng định ở Donbass không phải diễn ra nội chiến mà là sự xâm lược của Nga, thì đây là “đội quân liên minh không mong muốn”.
Đặc biệt, chiều cùng ngày, phía Ukraine phát biểu có thể đệ trình ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết của mình về phái bộ gìn giữ hòa bình tại Donbass. Đồng thời, Đại sứ Ukraine bên LHQ Vladimir Elchenko để ngỏ khả năng các bên sẽ làm việc trên cơ sở dự thảo của phía Nga – với điều kiện thêm vào những quan điểm của Kiev.
Trong khi đó, Donetsk và Lugansk hoan nghênh sáng kiến của ông Putin. Theo giải thích của đại diện DPR tại nhóm Tiếp xúc Denis Pushilin: “Về logic, đầu tiên phải rút quân đội và vũ khí, sau đó đại diện của phái bộ giám sát OSCE sẽ có mặt tại đường giới tuyến, còn để đảm bảo an ninh cho họ, lực lượng LHQ sẽ tham gia”. Ông nói thêm rằng, ngoài đường giới tuyến thì lực lượng gìn giữ hòa bình không nên hiện diện ở bất cứ nơi nào khác.
Ngoài ra, sáng kiến của Tổng thông Nga Putin cũng nhận được sự đánh giá cao của Đức-quốc gia có tiếng nói rất quan trọng tại châu Âu. Ngoại trưởng Đức, Sigma Gabriel cho biết, sáng kiến của Nga giúp đánh thức châu Âu phải tiến tới một “nút gỡ mới” với Moscow.
Ông Gabriel nói: “Nga đã thay đổi chính sách với Ukraine. Chúng ta không nên bỏ qua thời điểm này” và nhận định rằng việc đưa quân gìn giữ hòa bình đến Donbass có thể là bước đi đầu tiên để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga.
Theo các chuyên gia phân tích, việc chính quyền Moscow "nhanh chân hơn" Kiev trong việc đề xuất đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass là vì muốn giành vị thế người nêu sáng kiến. Bằng cách này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận dự thảo nghị quyết của phía Nga trước, chứ không phải của Ukraine. Điều này giúp Nga có những toan tính hơn lớn hơn trong việc thực hiện các nội dung liên quan tới "Thỏa thuận Minsk", cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong thời gian tới.