Ăn to nói lớn Người mắc bệnh này được xác định có hành vi dị thường. Họ thường trải qua cả trầm cảm và những giai đoạn hưng cảm.
Ðặc điểm điển hình của những cá nhân hưng cảm là đi lại rất nhanh. Không chỉ thế, họ còn nói nhanh, nói to. Những đoạn đối thoại của họ thường có nhiều lời bông đùa và họ cố gắng tỏ ra tài giỏi. Họ thích những gì chói lọi, sặc sỡ.
Theo Sổ tay Thống kê & Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders -DSM), được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (the American Psychiatric Association), cơn hưng cảm bao gồm ít nhất ba trong số các triệu chứng sau: tự đánh giá bị trơ lì hoặc cảm thấy mình vĩ đại; giảm nhu cầu ngủ; nói nhiều hơn bình thường hoặc bị thúc bách cần phải nói; tư duy dồn dập; dễ bối rối;tăng hoạt động hoặc kích động tâm vận động; tham gia quá mức vào các hoạt động nguy hiểm.
Tuy nhiên, dạng người này ít có khả năng phán xét và có thể tham gia vào những hoạt động nguy hiểm mà, nếu ít hưng cảm hơn, họ sẽ từ chối. Bên cạnh đó, họ có thể trở nên bất mãn với hành động của người khác, những người họ cho rằng cản trở họ đạt được những kế hoạch to lớn của mình.
Ðiều thú vị là, khi đang ở trong giai đoạn hưng cảm, rất nhiều người tỏ vẻ hạnh phúc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Còn khi đã chuyển sang giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân luôn cảm thấy buồn hay lo lắng, cảm giác không còn sức lực, luôn luôn mệt mỏi. Ngoài ra, bệnh nhân cũng bị sụt cân hay tăng cân do ăn quá nhiều hoặc chán ăn mà không phải do theo một chế độ đặc biệt nào.
Hai dạng biểu hiện
Khoảng 1-1,5% người trưởng thành trải qua trạng thái bệnh pha trộn hưng cảm và trầm cảm. Căn bệnh có tên gọi riêng này, sẽ được định danh ở Kỳ 5, được chia làm hai dạng. Vẫn theo Sổ tay Thống kê & Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, hai dạng biểu hiện của bệnh có mấy đặc trưng nổi bật như sau.
Ở dạng 1 (type 1), cá nhân trải qua luân phiên giữa các đơn trầm cảm và hưng cảm, mỗi đợt kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Một số người có thể trải qua một vài chuỗi chỉ toàn trầm cảm hoặc chỉ toàn hưng cảm.
Các đợt này phân cách với nhau bởi những giai đoạn họ ở trạng thái hoàn toàn bình thường, trạng thái họ không có biểu hiện lên đồng cả ở tình trạng bốc đồng lẫn tình trạng mất hết niềm tin. Một số người có thể gặp cả trầm cảm và hưng cảm chỉ trong một ngày mà dân gian thường gọi là “sáng nắng chiều mưa trưa gió mùa đông bắc”.
Với người mắc bệnh ở dạng 2 (type 2), các cơn trầm cảm chiếm ưu thế. Họ có thể trải qua giai đoạn hưng cảm nhẹ, có thể tăng vận động hơn so với bình thường. Có điều, dù không có biểu hiện thái quá như hưng cảm, họ lại rơi vào trầm cảm nặng. Nói cách khác, với biểu hiện bệnh dạng 2, người mắc không trải qua một đợt hưng cảm nào trong khi rơi vào trầm cảm nặng.
Bệnh ở dạng 1 được cho là phổ biến nhất, theo Bebbington và Ramana trong một cuốn sách chuyên môn về bệnh này xuất bản năm 1995. Chính vì thế, những người mắc căn bệnh mà tên chuyên môn sẽ rõ ở Kỳ 5 dân gian gọi là “đồng bóng nặng”.
Nam bốc hơn, nữ sầu hơn
Ngôi sao Helen Flanagan thú nhận với Báo The Sun rằng cô đã nghĩ đến kết liễu bản thân bằng việc tự gây một tai nạn xe hơi.
Trong khi tỉ lệ nói chung giữa nam và nữ mắc bệnh dị thường này không khác nhau, phụ nữ dường như thiên trầm cảm nhiều hơn và ít hưng cảm hơn nam giới. Mặt khác, ở phụ nữ, việc lặp đi lặp lại giữa các giai đoạn này thường xuyên hơn nam giới (APA 2000). Mức độ phổ biến cũng không khác nhau giữa các nhóm kinh tế-xã hội và dân tộc.
Pha đầu tiên mắc căn bệnh khó đoán này thường diễn ra trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi. Hơn một nửa người khởi phát lần đầu với một pha trầm cảm chủ yếu và ít nhất 80% người khởi phát với đợt hưng cảm có khả năng tái phát bệnh một lần hoặc nhiều hơn (APA 1994).
Mỗi pha có thể kéo dài vài ngày, hằng tuần hoặc, trong một số trường hợp, hằng năm. Mức độ nghiêm trọng của rối nhiễu có xu hướng tăng cùng với thời gian mặc dù, sau khoảng 10 năm, có thể bớt đi rõ rệt với biểu hiện bớt hoắng hơn, đỡ u sầu hơn.
(Còn nữa)
Người mắc rối loạn thường không nghĩ mình mắc bệnh này.Thật ngược đời, họ thường sử dụng nhiều dịch vụ y tế hơn những người mắc trầm cảm hoặc các bệnh mạn tính.
Ðón đọc Kỳ 4 “Những kẻ tửng”. Trường hợp như ông Ngột không phải là hiếm trong xã hội nhưng không nhiều người nhận ra đấy là bệnh nên không chịu đi chữa hoặc chữa trị muộn dù họ bị người đời quy là hâm, là tửng.