Bùng nổ lừa đảo giao dịch hưởng hoa hồng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều trang website lôi kéo người dùng mạng xã hội tham gia giao dịch ảo với lời quảng cáo “ngồi nhà giao dịch hưởng hoa hồng”. Các đối tượng cam kết,“chỉ sau vài thao tác”nếu tham gia dịch vụ này sẽ nhận lại vốn kèm hoa hồng. Thực tế, nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”, bị lừa đảo với số tiền cả tỷ đồng.

Thời gian qua, báo Tiền Phong nhận được nhiều phản ánh về các trang web tự giới thiệu cho phép người dùng tạo giao dịch ảo với cam kết nhận lại hoa hồng cao khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy”.

Cụ thể, ông T.V.T ( ở Hà Nội) cho biết, tháng 2/2022, ông được giới thiệu trang web www.target.tmall28.cn tổ chức kinh doanh theo hình thức “ship hàng thu cod” (thanh toán khi nhận hàng) cho bán hàng online và được trả hoa hồng 0,5 - 0,9% giá trị đơn hàng.

Theo phương thức này, ông T phải đầu tư vốn trước để nhập hàng và thao tác trên trang web để chuyển hàng cho người mua và nhận lại tiền hoa hồng cho mỗi đơn hàng.

Ngày 2/3/2022, ông T nộp 5 triệu đồng vào tài khoản 19037833406010 tại ngân hàng Techcombank với chủ tài khoản mang tên Phan Thi Kim Tram, để thử thực hiện đơn hàng. Sau khi hoàn thành, ông T rút thành công 100 USD và quy ra tiền Việt Nam chuyển về tài khoản cá nhân của mình.

Ngày 3/3/2022, ông T tiếp tục nộp vào 350 triệu để chuyển hàng, nhiệm vụ lần này là ship 80 đơn hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện được nửa số đơn thì gặp đơn hàng có giá trị cao hơn số vốn đã nộp. Bộ phận chăm sóc khách hàng của trang web cho biết để hoàn thành đơn hàng giá trị cao buộc người dùng phải tăng vốn.

Bùng nổ lừa đảo giao dịch hưởng hoa hồng ảnh 1

Ảnh minh họa

Tin tưởng, ông T tiếp tục nộp thêm vào tài khoản của trang web số tiền 250 triệu đồng.

Thế nhưng khi thực hiện đơn thứ 78/80, ông T lại gặp đơn hàng giá trị lớn, yêu cầu ông T phải nộp tiếp 500 triệu để hoàn thành. Lúc này phía chăm sóc khách hàng của trang web yêu cầu nâng tổng số tiền phải nộp vào là 1,1 tỷ đồng.

Ông T đã thực hiện việc nộp tiền như yêu cầu nhưng sau khi hoàn thành toàn bộ 8 đơn hàng thì hệ thống rút tiền lại hiện trạng thái “Không được duyệt”.

Thắc mắc với hệ thống chăm sóc khách hàng, người này cho biết với số tiền trên 1 tỷ đồng, số thuế phải nộp sẽ là 263 triệu đồng. Đến lúc này, ông T vẫn chấp nhận nộp 263 triệu đồng để rút được toàn bộ số tiền về.

Sau lần nộp thuế này, chủ trang web liên tục trì hoãn và đề nghị đóng thêm các khoản chậm nộp thuế (153 triệu đồng), không thể trả bằng USD và nếu muốn rút bằng tiền đồng nộp thêm 70 triệu…

“Đến đây thì tôi biết mình đã bị lừa, tôi đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi lừa đảo của trang web trên và mong mỏi báo chí thông tin rộng rãi về loại hình lừa đảo tinh vi này”, ông T nói.

Bùng nổ lừa đảo giao dịch hưởng hoa hồng ảnh 2

Giao diện trang Web mà ông T vào và bị lừa hơn 1 tỷ đồng

Cẩn trọng với mời chào giao dịch ảo, hoa hồng cao

Thời điểm này, các loại hình lừa đảo theo hình thức bán hàng, ship hàng qua các trang thương mại đang nở rộ. Chị H ở Đồng Nai cho biết, chị vừa bị lôi kéo làm nhiệm vụ đặt các đơn hàng ảo trên một sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng. Theo đó, dù không có nhu cầu mua hàng, người tham dự sẽ phải đặt hàng và thanh toán tiền. Số tiền này được cam kết hoàn trả kèm theo hoa hồng 10 - 15%.

Sau khi đặt hàng, “người tuyển dụng” yêu cầu chị H thanh toán vào một tài khoản khác thay vì tài khoản chủ shop. Khi được hỏi, thì được lý giải đây là tài khoản trung gian.

Công an TP Hà Nội cũng yêu cầu khi phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.

“Với công việc này, bên kia sẽ gửi cho tôi một đường link, đường link này là một sản phẩm có giá tiền ở trong đó. Tôi click vào đường link sau đó chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác. Ví dụ món hàng có giá trị hơn 300.000 đồng thì tôi sẽ chuyển đủ số tiền theo trị giá nêu trên vào số tài khoản đó. Sau khi chuyển tiền xong 3-5 phút, họ đã hoàn tiền lại cho tôi, bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng, có món thì 5%, món 10%, món 12%...”, chị H kể.

Chị H cho biết, chị thực hiện liên tục được 10 đơn đầu và đều được rút hết tiền, bao gồm tiền gốc và hoa hồng. Tuy vậy, đến đơn thứ 11 thì tài khoản của chị H bị “đóng băng”.

“Khi tôi liên hệ thì họ bảo phải làm thêm 3 nhiệm vụ nữa rồi mới rút được tiền. Tôi nghe theo và nạp thêm 30 triệu để hoàn thành 3 nhiệm vụ còn lại. Tuy vậy, khi hoàn thành họ nói vẫn chưa thể nhận tiền và lại giao thêm các nhiệm vụ khác nữa, đồng thời yêu cầu tiếp tục nạp tiền để hoàn thành”, chị H nói.

Số tiền đầu tư vào sàn đã hơn 80 triệu đồng. Dù vậy chị H. vẫn tiếp tục vay mượn của bạn bè, người quen để vừa thực hiện thêm nhiệm vụ, vừa nạp thêm tiền hy vọng lấy lại được cả vốn lẫn hoa hồng. Tuy nhiên, sau quá nhiều lần liên hệ không thể rút được tiền mà vẫn liên tục bị yêu cầu nạp thêm, H mới nhận ra mình bị lừa và quyết định dừng lại.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, các ứng dụng, trang web lừa đảo ngày càng nở rộ trong thời gian gần đây, chiêu dụ được nhiều người tham gia. Vì đúng thời điểm dịch bệnh khó khăn nên nhiều người tham gia với mong muốn kiếm tiền dễ dàng.

Sau khi trả lợi nhuận một vài lần, khi ứng dụng thu hút được số tiền như mong muốn, các đối tượng lừa đảo sẽ lập website khác.

“Cần cảnh giác với những website cam kết mang lại lợi nhuận cao bất thường, không có cách kiếm tiền theo kiểu việc nhẹ lương cao”, vị chuyên gia nhận định.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đưa ra cảnh báo về phương thức hoạt động lừa đảo này. Theo đó, thủ đoạn của các đối tượng thường là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội.

Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu 10 - 20%. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền cho công ty, cộng tác viên sẽ không thể nhận lại được tiền.

MỚI - NÓNG