Du lịch tình nguyện theo các du học sinh, tổ chức phi chính phủ vào Việt Nam trong khoảng 3-4 năm đổ lại đây. Trào lưu này hiện rất được giới trẻ chào đón vì qua những chuyến du lịch kết hợp giúp đỡ cộng đồng (một dạng homestay), họ dễ dàng tìm được niềm vui trong cuộc sống. Lời mời gọi được cộng đồng phượt Việt Nam chia sẻ nhiều nhất trước kỳ nghỉ lễ là: “Ngoài kia chắc chắn đang có một cuộc sống khác chờ bạn. Một cuộc sống đối lập hoàn toàn với chuỗi ngày nhàn nhạt bạn đã đi qua. Vậy thì tại sao không cho mình quyền được đi xa, phá vỡ mọi khoảng trống an toàn để bước ra đời, và tận hưởng”.
Du lịch tình nguyện khác với chương trình sinh viên tình nguyện. Người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định (200.000-400.000 đồng/ngày đêm), nhưng cũng có khi hoàn toàn miễn phí. Chuyến đi tình nguyện có phân nửa là kết hợp du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng miền, đa số là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hình thức du lịch này thường gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng của một tổ chức phi lợi nhuận. Đối tượng tham gia du lịch tình nguyện bao gồm người đi làm, cán bộ nghỉ hưu và đông đảo nhất là học sinh, sinh viên.
Ở Việt Nam, có một số tổ chức phi lợi nhuận thường xuyên tổ chức những chuyến du lịch tình nguyện, như Volunteers for Education Organization (V.E.O), Humanitours, Hội Việt Pháp CODEV, Buffalo… Số thành viên đăng ký tham gia trung bình là vài chục người mỗi chuyến, có khi lên đến vài trăm người, nhất là vào những kỳ nghỉ lễ.
Phải sát hạch mới được... du lịch
Các tour du lịch tình nguyện ban đầu hầu như chỉ có người nước ngoài tham gia. Sau đó, số người Việt Nam đăng ký gia tăng nhanh theo từng năm. Đối với tour miễn phí hoàn toàn, tình nguyện viên tham gia sẽ phải trải qua những cuộc khảo sát tương đối kỹ. Kỹ năng ngoại ngữ thành thạo sẽ được ưu tiên. Kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng sư phạm tốt cũng được ưu tiên. Sức khỏe tốt là bắt buộc. Ngoài ra, tùy theo mục đích từng tour tình nguyện (thiên về giáo dục, y tế, bảo tồn thiên nhiên, hướng dẫn văn hóa...), các tổ chức phi chính phủ sẽ có thông báo tuyển người phù hợp.
Du lịch tình nguyện tại một trang trại ở Thái Lan
Lê Tuấn Phương (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) đăng ký chương trình tình nguyện giáo dục của V.E.O từ năm ngoái, nhưng trượt. Sau được giới thiệu sang chuyến tình nguyện khoa học. Phương cùng các bạn dạy trẻ con tại sao có cầu vồng sau mưa, tại sao có sấm sét, khi có sấm sét thì phải làm thế nào… Ngoài việc được luyện nói tiếng Anh cùng các tình nguyện viên quốc tế, Phương kể: “Hai ngày chơi ở bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), ăn cơm lam, tự nướng thịt, nướng cá là những trải nghiệm vui cực kỳ”. Nguyễn Đan Hà (Công ty Thiết bị y tế Việt Nhật) từng đi Tả Van, Sapa theo chương trình tình nguyện giáo dục. Hà dạy tiếng Anh và các kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho trẻ em địa phường, đồng thời cắt tóc cho các em. Các tình nguyện viên muốn các em biết đến “có một thế giới khác”, ngoài “núi rừng và mái nhà lụp xụp”, Hà nói.
Để làm phong phú thêm các chương trình du lịch tình nguyện, các nhà tổ chức bổ sung nhiều nội dung. Chương trình du lịch giáo dục của V.E.O bao gồm xây dựng trường học bằng các hoạt động chân tay như: sửa sang lớp học, xây dựng lại nhà ăn, đóng lại bàn ghế, trồng thêm cây xanh quanh trường… Hoặc chia sẻ những bài học về tin học cho các thầy cô giáo chưa tiếp cận được công nghệ thông tin; hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, sơ cứu cho học sinh.?Để tăng hiệu quả hoạt động tình nguyện, một số tổ chức cố định số thành viên tham gia 20-30 người/chuyến. Đó cũng là lý do nhiều sinh viên muốn đi nhưng trượt vì đăng ký muộn.
Du lịch miễn phí
Một số du học sinh thông thạo ngoại ngữ thường đăng ký qua các tổ chức du lịch tình nguyện toàn cầu như: Global Vision International (GVI), Agape Volunteers, Love Volunteers, VESAbroad… Đây là cơ hội du lịch trải nghiệm giá rẻ (hoặc hoàn toàn miễn phí) rất được giới phượt quốc tế ưa thích. Lần đầu tiên tham gia, họ thường chọn các nhà tổ chức uy tín để được chỉ bảo một ít về ngôn ngữ địa phương, về những kĩ năng cần thiết cho khóa tình nguyện.
Tình nguyện viên cắt tóc cho trẻ em dân tộc.
Nguyễn Phương Mai (du học sinh tại Pháp) thông qua các chương trình du lịch tình nguyện mà đi được 12 nước, trong khi toàn bộ chi phí chỉ là 400 euro. Trần Minh Hoàng (du học sinh tại Mỹ) nhờ du lịch tình nguyện mà đi cả Nam Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á, Fiji. Hoàng chia sẻ: “Tôi gần như nghiện du lịch tình nguyện, bởi vì tôi không chỉ học được thêm rất nhiều điều, gặp được nhiều người, mà còn có nhiều kinh nghiệm thú vị không thể ngờ. Tôi từng tham gia những hoạt động như bảo vệ động vật hay dạy trẻ em, nhà sư nói tiếng Anh…”.?
Một số trang web về du lịch tình nguyện miễn phí
World Wide Opportunities on Organic Farms - www. wwoof.org – cơ hội làm việc tại các trang trại hữu cơ; www.conservationvolunteers.com.au – tham gia các dự án bảo tồn thiên nhiên và quảng bá du lịch sinh thái ở Australia và Newzealand; www.hfholidays.co.uk - hướng dẫn viên du lịch ở châu Âu cho hãng du lịch HF Holidays; www. unv.org - tình nguyện viên Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới...