Bùng nhùng bài toán thừa thiếu giáo viên

Bùng nhùng bài toán thừa thiếu giáo viên
TP - Thừa giáo viên, giáo sinh tốt nghiệp không có việc làm, phải làm việc khác. Những thông tin này liên tục xuất hiện trong mấy năm gần đây gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm. Nhưng thật sự giáo viên đang thừa thiếu thế nào ở mỗi cấp học, mỗi địa phương, mỗi môn học? Câu hỏi này Bộ GD&ĐT cũng chưa thể trả lời cụ thể.
Bùng nhùng bài toán thừa thiếu giáo viên ảnh 1

Bộ GD&ĐT cho biết, tính từ bậc tiểu học, ngành giáo dục đang thừa khoảng gần 27.000 giáo viên, nhưng cũng đang thiếu gần 13.000 giáo viên. Ảnh: Như Ý.

Thiếu nhưng không được tuyển

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 đối với các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, tính từ bậc tiểu học, ngành giáo dục đang thừa khoảng gần 27.000 giáo viên, nhưng cũng đang thiếu gần 13.000 giáo viên.  Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo năm 2017 của khối sư phạm là 54.000. Điều đáng nói là các trường sư phạm trung ương chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu. Phần lớn chỉ tiêu còn lại nằm ở các trường địa phương.

Thừa giáo viên nhưng thực tế nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên rất nhiều, đặc biệt là cấp mầm non. Ngành GD&ĐT Quảng Ngãi năm học 2017-2018 thiếu đến 1.000 giáo viên các bậc học, nhiều nhất là mầm non, tiểu học. Nguyên nhân thiếu hụt giáo viên là do ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chính sách tinh giản biên chế, không tuyển dụng giáo viên từ năm 2014 đến nay, trong khi đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và nghỉ theo chế độ Nghị định 108 của Chính phủ của tỉnh tăng cao.

Tại Quảng Ninh, nhiều trường cũng đang gặp khó khăn khi thiếu giáo viên. Theo ước tính, Quảng Ninh đang thiếu hàng trăm giáo viên ở các cấp học từ mầm non lên đến THPT. Theo giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bà Vũ Thị Liên Oanh, tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng việc tuyển biên chế cho ngành giáo dục từ nhiều năm nay và chính thức dừng tuyển giáo viên hợp đồng từ đầu năm 2017. Việc này nhằm đánh giá lại đội ngũ giáo viên để tính toán sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cũng như chi ngân sách.

Trưởng phòng giáo dục của một huyện thuộc  tỉnh Nam Định cũng cho biết huyện đang thiếu rất nhiều giáo viên mầm non. Có nguồn tuyển nhưng không còn  biên chế để tuyển. Tình trạng thiếu giáo viên, thừa nguồn tuyển nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng đang diễn ra tại nhiều địa phương. Tại các tỉnh miền núi khó khăn như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu thực trạng này cũng đang tồn tại.

Vì việc làm của 8.000 giảng viên hay vì sinh viên?

Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về đào tạo sư phạm vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tháng 4/2016 Chính phủ đã có Quyết định số 732 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” . Trong đó, Quyết định nêu rõ đến năm 2020 ngành sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 người. Nhưng báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy riêng năm 2015 đã đào tạo 70.000 người, nghĩa là 2016 sẽ không được tuyển thêm ai nhưng thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2016 là 68.000. “Đã có quyết định của Thủ tướng nhưng thực hiện không nghiêm, và chưa lường hết hậu quả của sự dễ dãi. Nếu thực hiện đúng thì từ năm ngoái đã phải tuyển rất ít cho ngành sư phạm, và năm nay chỉ tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ hiện hành” - Phó Thủ tướng nói. Trong khi đó, theo giải thích từ phía Bộ GD&ĐT, những năm gần đây Bộ đã cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm,  thậm chí năm vừa rồi giảm tới 20 đến 30%, nhưng không thể cắt hết luôn vì nhiều giảng viên ở các trường sẽ không có việc làm. Nhìn nhận vấn đề này,  Phó Thủ tướng cho rằng giải quyết việc thất nghiệp trong những năm tới còn nguy hiểm hơn, lãng phí của đào tạo mới còn lớn hơn so với lãng phí giảng viên sư phạm không có việc làm.

GS. Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH sư phạm Hà Nội cũng cho rằng việc cần làm hiện nay đó là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. “Nhưng Bộ có làm không và làm đến đâu mới quan trọng. Nếu mọi người còn băn khoăn rằng như thế giảng viên sẽ mất việc, các trường CĐ sư phạm sẽ không muốn trở thành phân hiệu của các trường ĐH sư phạm thì chúng ta đang vì các trường CĐ, vì hơn 8.000 giảng viên sư phạm hay đang vì sinh viên” - GS.Đinh Quang Báo đặt câu hỏi.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng, trước khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT phải rà soát tổng thể tình hình đội ngũ hiện nay như thế nào, nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ tại các địa phương ra sao. Chương trình SGK mới sắp đi vào thực hiện, sĩ số học sinh trên một lớp như thế nào, nhu cầu đội ngũ ra sao, Bộ phải cụ thể được điều này. Từ đó mới cân đối được mạng lưới trên cả nước. Cũng theo bà Minh, Bộ phải có dự báo nhu cầu giáo viên của 5 năm, 10 năm tới. Từ đó mới đưa ra được cần bao nhiều trường sư phạm ở trung ương, cần giữ bao nhiêu trường sư phạm địa phương.

“Có một thực tế hiện nay đó là các con số thống kê của Bộ GD&ĐT đưa ra chưa có sự chuẩn xác. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thừa thiếu giáo viên hiện nay đang là bài toán bùng nhùng đối với ngành giáo dục. Sắp tới, còn sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo... còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” - bà Ngô Thị Minh chia sẻ.

Quyết định số 732 của Chính phủ nêu rõ, đến năm 2020 ngành sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 người. Nhưng báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, riêng năm 2015 đã đào tạo 70.000 người, nghĩa là 2016 sẽ không được tuyển thêm ai nhưng thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm năm 2016 là 68.000. 

MỚI - NÓNG