GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo viên phải đi làm thêm, dạy thêm nhiều

“Tôi chưa thấy nước nào giáo viên phải đi làm thêm, dạy thêm nhiều như ở Việt Nam. Lương thấp, giáo viên phải làm thêm, dạy thêm dẫn đến mất đi hình ảnh tốt đẹp trong mắt phụ huynh và học sinh, chưa kể những việc đó dễ phát sinh tiêu cực trong giáo dục...", GS.TS Phạm Tất Dong cho biết.

Bỏ nghề chủ yếu vì lý do lương thấp

Gần 10 năm dạy học, vỏn vẹn thu nhập chỉ 3,6 triệu đồng/tháng (sau khi trừ các khoản), đầu năm học 2017-2018, thầy Nguyễn Quang Tuệ (SN 1987, quê quán Thanh Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) - giáo viên Mỹ thuật của Trường tiểu học Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Trong đơn xin nghỉ việc thầy Tuệ có viết: “Lý do xin nghỉ việc là vì điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống gia đình. Kính mong Ban Giám hiệu, BCH Công đoàn nhà trường cho tôi được thôi việc để tìm công việc mới đảm bảo thu nhập cá nhân và gia đình”. Đơn của thầy Tuệ đã được nhà trường chấp thuận vào ngày 31/8/2017.

GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo viên phải đi làm thêm, dạy thêm nhiều ảnh 1

Giáo viên Nguyễn Quang Tuệ . Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về quyết định của mình, cựu giáo viên Nguyễn Quang Tuệ cho biết: “Dù suy nghĩ rất nhiều để đưa ra quyết định xin nghỉ dạy, lý do lớn nhất là lương thấp, không đảm bảo cho đời sống gia đình. Trong 10 năm sau khi tốt nghiệp sư phạm, trong vòng 6 năm, dạy hợp đồng tại 8 trường học.

Đến tháng 3/2014, tôi được xét đặc cách viên chức khi đang dạy tại Trường tiểu học Thanh Thủy. Được biên chế sau nhiều năm mong muốn, nhưng hiện nay lương không đủ chi phí gia đình, nên xin nghỉ để làm xăm nghệ thuật, một công việc vẫn liên quan tới mỹ thuật và mang thu nhập cao hơn đi dạy học. Mức thu nhập từ công việc này đảm bảo hơn so với đi dạy học”.

Đầu năm học 2017-2018, ngành Giáo dục một số địa phương đã chứng kiến câu chuyện giáo viên xin ra khỏi ngành để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Tiêu biểu như trường hợp của ông Đoàn Hùng Cường, nguyên giáo viên được tuyển dụng vào ngành ngày 1/1/2003, công tác tại Trường THCS Thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Dù tổng mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, lấy lý do nhà ở xa, mong muốn tìm kiếm một hướng đi khác thuận lợi hơn cho việc mưu sinh và nuôi gia đình nên ông Cường đã xin ra khỏi ngành.

Trước đó, thông tin cùng lá đơn xin ra khỏi biên chế ngành Giáo dục của cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (SN 1994, Cao Bằng) được lan truyền trên mạng xã hội thu hút nhiều ý kiến trái chiều, cũng như nốt lặng buồn ngay trước thềm khai giảng năm học mới.

Cô giáo Kim Anh đã được nhận vào biên chế ngành Giáo dục của huyện Bảo Lâm, là giáo viên của Trường Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, Bảo Lâm, Cao Bằng), đi làm 10 tiếng mỗi ngày (từ 7h sáng đến 5h chiều) mệt mỏi, nhưng mức lương chỉ 4,3 triệu đồng/tháng. Chưa kể những áp lực từ phụ huynh, chỉ cần lơ là một phút, các em đánh nhau rồi khóc lóc là bị trách mắng. Đây là nguyên nhân dẫn đến cô viết đơn xin nghỉ dạy.

Chế độ đãi ngộ không tương xứng

Những câu chuyện giáo viên bỏ nghề nêu trên như một câu chuyện bất cập trong ngành giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, những câu chuyện ấy được chia sẻ trên một số diễn đàn giáo dục lại nhận được rất nhiều lời cảm thông, thậm chí không ít người “chúc mừng” vì đã có suy nghĩ dũng cảm từ bỏ công việc lương thấp để tìm công việc mới nhiều triển vọng hơn. Không ít người đã “khoe” việc mình từng nghỉ dạy vì đồng lương bèo bọt, công việc đầy áp lực và coi đó như một quyết định sáng suốt không hề nuối tiếc.

Hiện tượng giáo viên xin nghỉ việc không chỉ năm học này mới diễn ra, bởi thời gian qua đã có rất nhiều giáo viên vì thu nhập thấp, không chăm lo được cho gia đình, chăm sóc con cái mà đã bất đắc dĩ nộp đơn xin nghỉ việc như một “trào lưu”, dù rằng nhiều người đã trở thành viên chức, có thời gian công tác lâu năm… Dù nhận được ý kiến trái chiều, song những giáo viên xin ra khỏi ngành đều trăn trở trước quyết định của mình, không phải vì không yêu nghề, không quý mến học sinh, hai từ “bạc bẽo” được nhiều người nhắc đến khi nhận xét về nghề cao quý, nhưng đằng sau đó luôn là nỗi lo cơm áo, chăm sóc gia đình. 

Là người công tác trong ngành Giáo dục lâu năm, từng học tập, tham quan học hỏi tại nhiều quốc gia, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam những năm gần đây luôn trăn trở về vị thế của nhà giáo trong xã hội ngày càng mất đi, bởi lý do lớn nhất đó là chế độ đãi ngộ không tương xứng. Khó xin việc, lương thấp là nguyên nhân khiến các trường sư phạm thiếu sức hút các thí sinh điểm cao. Sức cạnh tranh ngành sư phạm ngày cảng giảm mạnh so với các ngành Y - dược, Công an - quân đội, kinh tế…

“Tôi chưa thấy nước nào giáo viên phải đi làm thêm, dạy thêm nhiều như ở Việt Nam. Lương thấp, giáo viên phải làm thêm, dạy thêm dẫn đến mất đi hình ảnh tốt đẹp trong mắt phụ huynh và học sinh, chưa kể những việc đó dễ phát sinh tiêu cực trong giáo dục. Theo tôi, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, một việc quan trọng nữa là nâng mức đãi ngộ cho các nhà giáo, có hệ số lương cao để thu hút giáo viên tới vùng sâu, vùng xa để dạy học”, GS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.

Tại Hội thảo Giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, hiện đội ngũ giáo viên phổ thông đã được hưởng chế độ, chính sách về tiền lương cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức khác. Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo cao nhất trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức từ 30-70%, đồng thời đã được hưởng thêm phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, tiền lương theo chế độ quy định đối với đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Theo Theo Gia đình xã hội
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.