Bùi Thạc Chuyên: Chơi vơi chuyện nghề

TP - Gặp Bùi Thạc Chuyên bị chinh phục ít nhiều bởi vẻ ngoài sống động của anh. Thế nhưng mới chớm trò chuyện cùng vị đạo diễn này đã thấy mùa hạ bỗng dưng tắt nắng. Bùi Thạc Chuyên hình như có biệt tài đưa người khác vào trạng thái chơi vơi như chính những “đứa con tinh thần” của anh.
Bùi Thạc Chuyên: Chơi vơi chuyện nghề ảnh 1

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng

Không phải người có khoa nói thu hút nên phần đa trong những cuộc tiếp xúc với nhân vật, họ đều giúp tôi khắc phục nhược điểm bằng cách chủ động kể chuyện, tôi chỉ việc lắng nghe là chính, thỉnh thoảng “chêm” vài câu hỏi cho người kia không có cảm giác mình đang độc thoại. Khi gặp Bùi Thạc Chuyên, tôi đã phát huy tận cùng sở đoản của mình, ấy vậy mà cuộc trò chuyện vẫn thường xuyên có những khoảng chìm vào im lặng, khiến tôi bối rối, chữa cháy bằng cười gượng, còn Bùi Thạc Chuyên châm thuốc hút, cho dù anh không nghiền thuốc lá, chỉ hút khi viết kịch bản.

Anh khiến tôi nhớ tới cuộc gặp với nhạc sỹ Ngọc Châu nhiều năm trước. Tác giả “Chiều xuân”, “Thì thầm mùa xuân” rộn ràng ấy, ở ngoài lại lành đến mức, hỏi gì cũng chỉ cười, cho dẫu nụ cười anh thu hút thì cũng khiến tôi hoang mang vì không biết sẽ xoay sở thế nào để viết về Ngọc Châu đây? Còn Bùi Thạc Chuyên lại tiết kiệm nụ cười, trước mỗi câu hỏi đều im lặng, một lát sau mới cất lời, mà cũng chỉ là những lời ngắn ngủi, khiến người khác không thể thụ động lắng nghe anh mà phải vắt óc xem tại sao anh nói vậy. Thậm chí thỉnh thoảng Bùi Thạc Chuyên còn dùng bảo bối “không biết” để giải thoát câu hỏi.

Ai đã từng xem phim của Bùi Thạc Chuyên sẽ thấy anh không chiều khán giả, không dễ dãi với diễn viên và chính mình. Nói chuyện với Bùi Thạc Chuyên hình như cũng giống như xem phim của anh vậy. Mới nhớ đến có lần “ngôi sao” của sân khấu phía Nam, NSUT Thành Lộc, từng kể tội Bùi Thạc Chuyên khi ông tham gia bộ phim “Lời nguyền huyết ngải”: Có lúc chỉ muốn… bóp cổ Bùi Thạc Chuyên vì ức, Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn “kinh dị”, luôn hành diễn viên phải quay đi quay lại mới ưng. Nhắc lại nhận xét của Thành Lộc cho Bùi Thạc Chuyên nghe, vẫn thấy anh làm thinh, không đụng đậy cảm xúc hoặc buồn cười, hoặc cau có, đành chọc: “Anh có nghe thiên hạ rì rầm sau lưng rằng: Anh khó tính?”. “Gã” lại thản nhiên: “Tôi khó tính gì đâu. Dễ tính chết đi được”.

Nhưng vị đạo diễn đẹp trai này không thể phủ nhận sự cầu toàn trong công việc của mình, thậm chí anh còn đánh giá: “Đó là nhược điểm của tôi”. Phải chăng vì sự cầu toàn mà trong vòng 10 năm Bùi Thạc Chuyên mới cho ra đời 3 phim nhựa, khoảng cách “lấy đà” giữa phim nọ với phim kia vào chừng 3 năm. Nhưng cũng nhờ cầu toàn mà Bùi Thạc Chuyên mới sinh được những “đứa con” cứ chào đời lại dậy sóng: “Sống trong sợ hãi”, “Chơi vơi”, “Lời nguyền huyết ngải”?

Đã qua thời 12A-4H?

Nhắc đến Bùi Thạc Chuyên nhiều người sẽ nhớ đến bộ phim truyền hình ăn khách một thời 12A-4H, chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Đông Thức, phát sóng năm 1995, trong chương trình Văn nghệ chủ nhật của VTV3. 12A-4H được coi là một trong những bộ phim truyền hình thành công nhất bấy nay về đề tài học đường dành cho tuổi mới lớn. Lâu lắm không thấy Bùi Thạc Chuyên trở lại với đề tài trong trẻo này, anh chia sẻ: “Làm khó lắm, người viết không có”.

Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ: Cái gì cũng có thời của nó. Cái thời 12A-4H của Bùi Thạc Chuyên đã qua: “Nhiều khi không phải lúc nào cũng viết được, lúc nào cũng nghĩ được. Lúc mình còn thanh niên hay trẻ hơn, sự bất chấp cũng lớn hơn, đến một độ tuổi nhất định, va vấp nhiều rồi nên cũng kém hồn nhiên hơn”. Vì kém hồn nhiên hơn nên “những đứa con” của Bùi Thạc Chuyên về sau này u ám hơn chăng? Một “Sống trong sợ hãi” ám ảnh. Một “Chơi vơi” với những uẩn ức tình dục, một “Lời nguyền huyết ngải”, chuyển thể từ truyện ngắn “Huyết đằng” của Phạm Hải Anh, được xem như phim kinh dị hàng hiếm của Việt Nam?

Ngay cả cách nói chuyện của đạo diễn đang vào mùa sung sức cũng ngả màu u ám. Anh buông câu rất “mếch lòng” nhiều người đang chiến đấu vì cái đẹp: Văn học nghệ thuật ở ta, bao gồm cả điện ảnh, chưa có gì ra hồn. Nếu câu nói này thốt ra bởi một kẻ lười biếng, bất tài thì thật phản cảm nhưng người phát ngôn lại là Bùi Thạc Chuyên, từng có tác phẩm giành giải thưởng của Hội phê bình điện ảnh thế giới tại LHP Venice, lại thấy anh nghiêm túc, đòi hỏi cao ở công việc.

“Văn học nghệ thuật ở ta, bao gồm cả điện ảnh, chưa có gì ra hồn”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
với câu nói dễ gây tranh cãi

Không ít lần đạo diễn “kinh dị” đã nói về tình cảnh của mình: “Những người làm phim độc lập chỉ là những cá nhân vùng vẫy giữa biển cả”. Tuy nhiên anh khẳng định mình không hề bi quan, chỉ muốn nhấn mạnh những khó khăn anh đang phải đối mặt và lo lắng cho tương lai của các bạn trẻ dấn thân theo nghệ thuật.

Một ngày của Bùi Thạc Chuyên bây giờ vẫn tíu tít bận, cùng một lúc thực hiện vài dự án: “Vừa rồi tôi đâm đầu vào một dự án, mãi ba năm chả xong, đành vứt”. Có vẻ Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn có duyên với nhiều đề tài. Anh tâm sự: Sự lựa chọn đề tài thay đổi theo giai đoạn. “Hiện tại tôi thích vài thứ nhưng chưa nói được”. Cũng có lúc rơi vào bế tắc nhưng Bùi Thạc Chuyên không trầm trọng hóa vấn đề: “Làm văn hóa nghệ thuật thế nào chẳng có lúc bế tắc”.

Cách đây chục năm anh đã cùng với vài người nữa lập ra Trung tâm hỗ trợ phát triển điện ảnh, dạy miễn phí cho trẻ em từ 15-20 tuổi yêu thích và có năng khiếu với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Gần gũi các bạn trẻ cũng là cách giúp Bùi Thạc Chuyên giải tỏa bề bộn của cuộc sống. Trước đây Trung tâm được quỹ Ford tài trợ đến nay vẫn tồn tại bằng hình thức xin tài trợ và bằng những nguồn thu khác. Bùi Thạc Chuyên khẳng định mục đích ra đời của trung tâm đúng như tên gọi, anh cũng như những người sáng lập chẳng được bổng lộc gì từ đây: “Mệt chết đi được. Ở đó chỉ có niềm vui thôi. Chẳng có gì khác”.

Còn một món hời tinh thần nữa từ việc dạy dỗ người trẻ làm phim mà Bùi Thạc Chuyên được hưởng: “Các bạn trẻ giúp mình trẻ hơn, mình không bị bảo thủ, định kiến. Định kiến nghĩa là mình đã đóng mình lại. Làm nghệ thuật không có lối mòn nào trong đầu là tốt nhất. Muốn vậy mình phải nhìn thấy mọi thứ đều mới, đều có cái gì đó hay, kể cả trong những điều dở. Bọn trẻ con thấy điều dở chúng chỉ cười chứ không chê. Vì họ trẻ nên họ không có định kiến”. Anh tự tin, phim của mình sẽ không bị già theo tuổi tác.

Như nhiều người làm nghệ thuật, Bùi Thạc Chuyên có xu hướng Nam tiến bởi thực trạng đáng buồn: “Ở Hà Nội làm gì có không khí nghệ thuật. Điện ảnh chết rồi, có đoàn làm phim nào làm nữa đâu”. Còn một điều ít người tin, dẫu thành công với nghề đạo diễn nhưng trái tim anh vẫn luôn dành cho sân khấu, anh tin mình là một diễn viên tốt: “Nếu sân khấu Việt Nam phát triển tốt, tôi muốn là diễn viên sân khấu suốt đời. Những ngôi sao Hollywood kiếm được nhiều tiền vẫn diễn sân khấu đó thôi. Bởi những khoảnh khắc trên sân khấu thật tuyệt vời. Sân khấu là thánh đường còn diễn viên như những người hành đạo”. Bùi Thạc Chuyên đã rời bỏ “thánh đường” từ năm 1993.

Ít khi xem lại thứ mình làm

Có những nhà văn không bao giờ đọc lại tác phẩm của mình khi đã ra lò, Bùi Thạc Chuyên cũng vậy, ít khi xem lại thứ mình làm. Tuy nhiên anh vẫn chịu khó lắng nghe phản hồi. Phản hồi đúng thì tiếp thu, chưa đúng… bỏ ngoài tai. Nhớ dạo phim 12A-4H đang chiếu, nữ nhà văn Y Ban đã “phang” phim của Bùi Thạc Chuyên tới 7 kỳ dài dằng dặc trên báo. Anh có đọc nhưng không tranh luận, cũng không “thù” Y Ban: “Tôi kệ. Vì nghĩ đó là việc của họ phải làm, chắc cô ấy cũng chẳng thấy như thế song lại bắt buộc phải viết. Hoặc cô ấy thích như thế. Chả hiểu. Thôi, tùy. Cứ việc viết, chán thì thôi”.

Phim của Bùi Thạc Chuyên có khá nhiều cảnh nóng trần trụi, dư luận nhiều chiều về vấn đề này. Anh không bận tâm: “Cảnh nóng á? Cũng bình thường thôi. Có gì đâu nhỉ?”. Phim của Bùi Thạc Chuyên cho dù đụng đến chuyện nhạy cảm, như tình dục, ngoại tình, đồng tính vẫn không gây sống sượng, ta vẫn bắt gặp bản thân mình đó đây. Những người lạc lối trong tình yêu, sau những thăng hoa, có lúc sẽ gặp trạng thái chơi vơi trống vắng đó là cảm xúc không dối trá. Bùi Thạc Chuyên cho rằng: “Nếu sự thực cuộc sống là vậy thì cảnh phim cũng phải như thế”.

Có lẽ còn nhiều người nhớ, đạo diễn “Chơi vơi” từng được mời giữ vai trò cầm cân nảy mực trong vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010. Anh giỏi “chọn mặt gửi vàng” cho nhân vật của mình nhưng “chấm thi hoa hậu khiến tôi đau hết cả đầu”. Bùi Thạc Chuyên thề: Không bao giờ chấm thi hoa hậu nữa. Ai cũng biết anh là con trai của nhà văn Bùi Bình Thi, vợ anh là diễn viên quen thuộc Tú Oanh, nhưng bây giờ cứ đụng đến chuyện nhà là Bùi Thạc Chuyên lại né. Tuy nhiên, anh chịu trả lời câu hỏi: “Vì sao anh không chịu ưu tiên vợ trong những bộ phim của mình?”. Đạo diễn mượn câu thơ trong truyện Kiều để đáp: “Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”.

Tôi hơi bảo thủ

Bùi Thạc Chuyên: Chơi vơi chuyện nghề ảnh 2 Bùi Thạc Chuyên

Công việc tất bật nhưng không tỉ lệ thuận với sự xông xênh tiền bạc, Bùi Thạc Chuyên vẫn làm phim thương mại để kiếm sống. Tuy nhiên như nhiều đạo diễn phía Bắc, Bùi Thạc Chuyên đề cao chất lượng nghệ thuật, ngay cả khi xác định bộ phim chỉ là “cần câu cơm”: “Có thể tôi hơi bảo thủ. Chắc tại do mình được đào tạo ở môi trường hơi chầm chậm. Ngày xưa tôi thích sách kinh khủng, đọc văn học cổ điển nhiều. Bây giờ vẫn thích nhưng không có nhiều thời gian để đọc. Vẫn cố gắng ngày đọc vài trang sách nhưng nhiều khi bận bịu cũng quên mất”.

Có cha là nhà văn nhưng Bùi Thạc Chuyên ít chơi với giới văn chương. Anh có thú cà phê một mình, có khả năng thức đêm giỏi. Ngay cả “Lời nguyền huyết ngải”, quay trong 40 ngày thì 37 đêm anh bắt đoàn làm phim thức từ 4 giờ chiều tới 6 giờ sáng. Bùi Thạc Chuyên viết kịch bản “Lời nguyền huyết ngải” cũng trong nhiều đêm trắng triền miên.

MỚI - NÓNG