Bùi Quang Ngọc: Đi và đến

Bùi Quang Ngọc: Đi và đến
TP - Bùi Quang Ngọc thuộc thế hệ đàn em và cũng là học trò trực tiếp của những ông thầy tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.  

Với văn chương, thơ ca, âm nhạc và ngay cả một số ngành khoa học, sự nghiệp của một tác giả đôi khi lừng lẫy chỉ bởi một hoặc vài tác phẩm. Nhìn vào nghệ thuật Việt Nam kể từ 1945 đến nay cũng dễ nhận ra điều đó. Nguyễn Đình Thi chỉ cần một ca khúc Người Hà Nội thôi là đã gần như hoàn thành sự nghiệp âm nhạc của mình. Nhà thơ Thâm Tâm chỉ cần một “Tống biệt hành” và nhà thơ Vũ Đình Liên cũng chỉ cần một bài “Ông đồ” thôi cũng vậy. Và còn khá nhiều nhà thơ khác nổi danh nhờ “thơ một bài”.

Nghệ thuật tạo hình từ trong lịch sử đã không có một trường hợp nào như thế. Nổi tiếng nhất của nghệ thuật tạo hình hàn lâm Việt Nam ai cùng phải nhắc đến là họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tuy nhiên, cái mà người ta nhắc đến ông nhiều nhất lại không phải là hội họa mà là sự nghiệp giáo dục. Ông đã hi sinh khi còn ôm ấp nhiều khát vọng sáng tác và chuẩn bị nhiều tư liệu mà chưa kịp biến chúng thành tác phẩm. Di sản lớn nhất ông để lại cho chúng ta ngày nay vẫn là lớp học trò kế cận với những tên tuổi xứng đáng Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Mai Long, Thế Vị…

Nói như thế để thấy mĩ thuật nói chung và hội họa nói riêng cần có một quá trình. Đúng hơn là cần duy trì được quá trình ấy liên tục trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình. Tuyệt đối không bao giờ có họa sĩ nào nổi tiếng chỉ vì một bức tranh đột ngột ra đời. Tranh không ra đời đột ngột như thơ. Điều đó không hề dễ với mĩ thuật Việt Nam vì rất nhiều lí do.

Thứ nhất, việc đào tạo đã từng có một qui chuẩn hàn lâm từ thời thuộc Pháp bị gián đoạn trong kháng chiến và thay vào đó là chương trình đào tạo mang nặng thuộc tính dùng cho việc tuyên truyền về sau.

Thứ hai, nền mĩ thuật non trẻ Việt Nam có quá ít giao lưu tiếp xúc với nghệ thuật thế giới bởi những qui định cực đoan giáo điều tồn tại suốt hơn một nửa thế kỉ sau hòa bình.

Thứ ba, bản thân nghệ sĩ rất ít người vượt thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của áo cơm để dốc lòng cho nghệ thuật. Điều này có thể châm chước được nhưng không có nghĩa là không thể. Chúng ta đã có vài họa sĩ làm được điều đó như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên v.v… Và các ông đã phải chấp nhận một cuộc sống dưới mức nghèo túng trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình.

Ông vào học khóa đầu tiên sau hòa bình lập lại 1955 với tên gọi khóa Tô Ngọc Vân. Để tưởng nhớ đến người thầy lớn đã có công tạo dựng một trường mĩ thuật trong kháng chiến, người ta đã đặt tên cho khóa học của Bùi Quang Ngọc như vậy. Những người bạn đồng môn của Tô Ngọc Vân là các họa sĩ nổi tiếng lúc ấy trực tiếp đứng lớp là Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ…

Và cũng không ngạc nhiên khi những họa sĩ học khóa ấy về sau đã không làm lu mờ danh tiếng của những người thầy lớn. Họ là những người thành đạt cả trong sáng tác lẫn quản lí hành chính về sau. Họ là Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Đỗ Hữu Huề, Văn Đa, Quang Thọ, Trọng Cát, Phạm Công Thành, Vũ Duy Nghĩa…

Bùi Quang Ngọc: Đi và đến ảnh 1

Một số tác phẩm của Bùi Quang Ngọc.

Bùi Quang Ngọc không được may mắn giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy như các bạn mình. Ông khoác ba lô và đi xuống vùng mỏ Quảng Ninh làm việc. Với ông, chuyện này nhẹ nhàng như nó đã từng với cậu thanh niên 16 tuổi Bùi Quang Ngọc khoác ba lô lên đường đi bộ đội vào năm 1949 ở chiến trường Quảng Trị.

   

Cuộc sống gian lao vất vả ở vùng mỏ suốt những năm đánh Mỹ tưởng chừng như đã làm thui chột đi ý chí sáng tạo của người thanh niên đầy nhiệt huyết Bùi Quang Ngọc mà không phải. Nhiều đồng nghiệp của ông dù tài năng chẳng kém nhưng khi sống trong môi trường thợ thuyền bụi bặm ấy đã không còn giữ được niềm say mê ngày nào. Họ lần lượt chọn cho mình một công việc nhàn nhã hơn, dễ sống hơn bằng nhiều cách. Người thì ra sức sáng tác tranh cổ động phục vụ sản xuất. Người thì mở lớp dạy vẽ cho công nhân. Người nản chí buông xuôi tất cả.

Bùi Quang Ngọc ý thức được cách hoạch định cuộc đời sáng tạo của mình từ rất sớm. Ông chẳng coi những vất vả thường nhật ấy là chuyện đáng để tâm. Hàng ngày có thể cùng thợ mỏ đi vào hầm lò theo ca kíp như một ông thợ chính cống. 

Chính những tiếp xúc ấy đã cho ông cảm hứng. Nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo suốt trong giai đoạn nhọc nhằn này. Đây là thời kì ông có những kí họa vào hàng đẹp nhất của lịch sử mĩ thuật Việt Nam dù rằng hàng ngày vẫn phải làm công việc của một anh vẽ tranh cổ động ở Sở văn hóa.

Với Bùi Quang Ngọc, mọi thứ trong cuộc sống đều phải gắn với nghệ thuật. Cho nên ta không bất ngờ khi thấy dù chỉ là một bức tranh cổ động thời vụ thôi ông cũng đầu tư trí tuệ và tình cảm đến mức cao nhất. Bộ mặt tranh cổ động ở vùng mỏ ngày ấy không thể thiếu tác phẩm của Bùi Quang Ngọc. Đến nỗi bạn bè qua lại nhiều năm sau ngày ông rời khỏi vùng mỏ vẫn cứ thấy như đã thiếu đi một chút gì đó rất ngay ngắn kiểu Bùi Quang Ngọc.

Mỗi một hành trình đều có điểm đi và đích đến. Cái xuất phát điểm của họa sĩ không phải bao giờ cũng thuận lợi. Và cũng không chắc đúng. Bùi Quang Ngọc không phải một ngoại lệ. Có chăng chỉ khác người ở chỗ ông phải chịu nhiều thử thách hơn mà thôi. Thử thách về đời sống vật chất nghèo khổ. Thử thách về đời sống tinh thần luôn bị nhòm ngó soi mói bởi những kẻ thiếu thiện tâm.

Thử thách mà ông cho là lớn nhất khi mấy chục năm phải mò mẫm trên con đường độc hành không chút giao lưu với ánh sáng văn minh của nghệ thuật thế giới. Ta đều biết rằng trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ thì nền mĩ học của chúng ta là duy nhất chỉ có một. Và từ đó cũng chỉ có duy nhất một phương pháp sáng tác mà thôi. Điều gì sẽ xảy ra khi phương pháp sáng tác ấy lại không phù hợp với lựa chọn của nghệ sĩ? Nhiều người bỏ bút cũng vì như thế.

Bùi Quang Ngọc có một thái độ làm việc kiên nhẫn đến kinh ngạc. Ngay từ những ngày còn ở xứ u tì quốc đội than cuốc đất ông đã kiếm tìm những phương pháp sáng tác khác với số đông. Dĩ nhiên, điều ông đạt được lúc ấy chỉ mình ông biết. Nhiều khi còn phải giấu giếm khổ sở. Chính vì thế nên ông đã có những tác phẩm rất quan trọng trong sự nghiệp vào giai đoạn ấy. Những tìm tòi thể nghiệm sôi sục ấy đã làm nền tảng cho những sáng tác sau này. Nhiều năm sau, khi đất nước đã mở cửa cho những sáng tạo khác biệt, ông cũng đã sẵn sàng bước chân vào giai đoạn mới không hề bỡ ngỡ.

Sáng tác của Bùi Quang Ngọc bao gồm rất nhiều đề tài, thể loại, chất liệu. Một cuộc đời cầm bút dày dặn đến kinh ngạc suốt 60 năm qua đã để lại cho công chúng rất nhiều tác phẩm có giá trị. Ông đặc biệt sung mãn trong mảng đề tài tranh chân dung bởi khả năng tư duy về hình họa đã đến độ sắc bén. Nhiều tranh chân dung của ông được vẽ bằng trí nhớ với đặc điểm nhân vật nổi trội rất dễ nhận ra. 

Ông cũng đặc biệt khoáng hoạt trong mảng đề tài phụ nữ khỏa thân. Những người đàn bà khỏa thân trong tranh ông không mang sắc thái tư lự yêu kiều đài các như nhan nhản trong nghệ thuật nước nhà. Nó là sự vận động của khát khao, của huyền bí và mê hoặc. Ở những mảng đề tài phong cảnh, sinh hoạt hoặc trừu tượng ông cũng tìm kiếm cho riêng mình một phong cách biểu hiện. 

Người xem có thể hiểu đến đâu thì còn tùy duyên nhưng chắc chắn nhận ra Bùi Quang Ngọc qua từng nét vẽ. Điều đó cho thấy từ một điểm đi là cậu bé 16 tuổi vào bộ đội ham thích môn vẽ cho đến một họa sĩ lão thành 81 tuổi hôm nay là cả một quá trình vận động và tích lũy không ngừng để có không chỉ một đích đến. Cái tiến trình tưởng như đơn giản này không phải họa sĩ nào cũng thu xếp ổn thỏa cho cả cuộc đời sáng tạo để không bị rơi vào cảnh “chết lâm sàng”.         

  Hà Nội 12/2015

Bùi Quang Ngọc có những kí họa vào hàng đẹp nhất của lịch sử mĩ thuật Việt Nam dù rằng hàng ngày vẫn phải làm công việc của một anh vẽ tranh cổ động ở Sở văn hóa.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.