BOT - hiệu ứng domino: Căng thẳng và lan rộng

BOT Cai Lậy, tâm điểm của phản ứng domino. Ảnh: PV.
BOT Cai Lậy, tâm điểm của phản ứng domino. Ảnh: PV.
TP - Sau các sự kiện tại BOT Cai Lậy, việc trả tiền lẻ, đòi tiền 100 đồng của “cánh” lái xe đang có dấu hiệu lan rộng. Tắc đường, xả trạm, mất an ninh, trật tự lại tiếp tục xảy ra. Điều đó đặt ra bài toán cấp bách phải xử lý gấp hiệu ứng domino của BOT này.

Hàng chục BOT thu phí trên đường độc đạo

Sau BOT Cai Lậy, đến thời điểm này ít nhất có 3 điểm nóng BOT phát sinh. Trường hợp thứ nhất xảy ra tại Trạm thu phí Ninh An (thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà) trên Quốc lộ 1A. Đây là trạm thu phí của dự án nâng cấp, mở rộng hơn 38 km QL1A qua Khánh Hoà. Lái xe phản đối vì nhà gần trạm nhưng không được miễn giảm phí, không có lựa chọn khác khi qua tuyến đường này. Lái xe vẫn áp dụng các biện pháp trả tiền lẻ hoặc đòi trả lại tờ 100 đồng như tại Cai Lậy.

Điểm thứ 2 thuộc về BOT hầm Phú Gia – Phước Tượng. Đây là dự án làm hầm xuyên đèo nhưng lại thu phí trên QL1A ngay phía bắc hầm Hải Vân thuộc địa phận TT- Huế, khiến cho lái xe không có sự lựa chọn. Lái xe cũng đã áp dụng các biện pháp khiến trạm này ùn tắc và phải xả trạm.

BOT tuyến tránh Biên Hoà (Đồng Nai) là địa điểm thứ 3 đang nóng lên từng ngày. Tương tự Cai Lậy, dự án này làm tuyến tránh, “cõng” theo việc thảm lại mặt đường QL 1A và chốt chặn thu phí trên QL 1A khiến lái xe không có sự lựa chọn.

Theo Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), chỉ tính riêng tuyến tránh - loại hình BOT đang bị phản ứng mạnh nhất hiện nay, trên QL 1A có đến 8 dự án. Ngoài Cai Lậy và Biên Hoà có: BOT tuyến tránh TP Phủ Lý (thu phí tại Trạm Nam Cầu Giẽ thuộc địa phận Duy Tiên, Hà Nam), BOT tuyến tránh TP Thanh Hoá (trạm Tào Xuyên, đang tạm dừng hoạt động chờ quyết toán), BOT tuyến tránh TP Vinh (trạm Bến Thuỷ 1, 2), tuyến tránh TP Hà Tĩnh (trạm Cầu Rác tại huyện Cẩm Xuyên), BOT tuyến tránh TP Đồng Hới (trạm Quán Hàu thuộc huyện Quảng Ninh) và tuyến tránh TP Sóc Trăng (trạm đặt tại huyện Châu Thành).

Về tổng thể, nếu xét về đặc điểm thu phí trên đường độc đạo (điều mà mới đây Quốc hội đã ra nghị quyết yêu cầu không được thực hiện với các dự án BOT), ngoại trừ một số rất ít các dự án cao tốc (trừ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng, Lạng Sơn) và dự án QL 21 B, một số dự án cầu…, hầu hết các dự án không có sự lựa chọn tuyến đường khác cho người dân.

Theo đó, toàn bộ 21 dự án BOT trên QL1A - tuyến giao thông huyết mạch từ Bắc đến Nam cũng thuộc diện không có sự lựa chọn. Ngoài QL1A còn không dưới 10 dự án BOT trên các tuyến khác. Các dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh đi Tây Nguyên, người dân cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài BOT. Tại miền Bắc, dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình (gắn với tăng cường mặt đường QL 6) cũng thu phí cả hai tuyến. Với tuyến từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cũng sẽ thu trên cả QL 3 và tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới. Dự án tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trạm trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) gây bức xúc nhiều năm nay chưa được tháo gỡ. 

BOT - hiệu ứng domino: Căng thẳng và lan rộng ảnh 1 Trạm Cai Lậy cần được giải quyết tận gốc. Ảnh: Hòa Hội.

Cần giải quyết tận gốc vấn đề

Trao đổi với Tiền Phong về tiến độ giải quyết các vấn đề bức xúc của BOT ngày 12/8, lãnh đạo Vụ PPP (cơ quan tham mưu chính cho Bộ GTVT) cho hay: Về dự án Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ đang làm việc với các nhà đầu tư và địa phương để lên phương án. Trả lời câu hỏi Bộ GTVT xem xét như thế nào với đề nghị ngỏ ý bán lại dự án cho nhà nước, ông này cho hay: Bộ GTVT không nắm quyền quyết định, ngay cả việc sử dụng vốn trung hạn, Quốc hội cấp cho ngành GTVT trong giai đoạn 2016-2020 (75.000 tỷ đồng, trong đó dành phần lớn cho cao tốc Bắc – Nam và Sân bay Long Thành) để mua lại dự án cũng phải trình Chính phủ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Long hoan nghênh việc Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành xem xét vấn đề Cai Lậy một cách tổng thể, toàn diện và tận gốc vấn đề. “Tận gốc vấn đề tức là các quy định của pháp luật. Như thế nghĩa là cần giải quyết không chỉ một trạm thu phí nào đó. Thời gian 1-2 tháng đủ để làm việc này. Tuy nhiên, phải kế thừa các kết quả kiểm tra, thanh tra trước đó, đặc biệt là trong báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội vừa qua” – ông Long nói.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho hay, trong phương án giải quyết các bất cập BOT hiện nay, Bộ GTVT nên thực hiện các biện pháp như: Giảm phí sâu hơn nữa để vừa sức chịu đựng của người dân, cố gắng điều chỉnh vị trí trạm thu phí. Với các dự án đang xây dựng cần thay đổi ngay, như: Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới không nên để thu phí trên QL 3, điều chỉnh sự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn theo hướng bỏ thu phí trên QL 1A. “Tóm lại, Bộ GTVT cần cho người dân sự lựa chọn trong các dự án đã và đang thực hiện, không thể cứ khẳng định đúng quy trình nhưng người dân vẫn không đồng tình” – ông Thanh nói.

Với các sai sót trong chỉ định thầu toàn bộ các dự án BOT, dẫn đến những nghi vấn tham nhũng, lợi ích nhóm, ông Thanh cho rằng việc “xét lại” vấn đề trách nhiệm rất phức tạp, lâu dài và không mang lại hiệu quả thực sự. “Bây giờ, chỉ còn cách thanh tra, kiểm toán lại một cách chặt chẽ. Hạng mục nào thiết kế sai, khai khống, tính sai khối lượng thì truy thu hoặc trừ thời gian thu phí. Việc đó sẽ hiệu quả, thiết thực và hoàn toàn có thể làm được” – ông Thanh đề nghị.

“Khi diễn ra cao trào về BOT, tôi đã nhiều lần nói với lãnh đạo Bộ GTVT không nên làm BOT trên QL 1A vì đây là đường độc đạo. Họ giải thích rằng, QL 1A xuống cấp, cần cấp bách để nâng cấp, không có BOT sẽ không làm được vì ngân sách hạn hẹp. Có thể tạm chấp nhận cách giải thích đó nhưng sau đó, có rất nhiều dự án chưa thực sự cấp bách nhưng vẫn làm trên đường độc đạo hoặc làm đường mới nhưng thu phí luôn cả đường cũ là khó chấp nhận”.

 Ông Nguyễn Văn Thanh

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.