Sao lại không vật vã được? Xa con, lo lắng đêm ngày vì con vừa lớn đã thoát khỏi vòng tay bố me, rồi gánh nặng tài chính đè lên vai.
Lo lắng, vật vã là vậy, nhưng tại sao du học vẫn là con đường đầy mơ ước của các con và kỳ vọng không hề nhỏ của các bậc cha mẹ?
Không muốn nói về phương pháp học tập ở trời Tây, hay một môi trường giáo dục tiên tiến như vô số bài viết đã nói. Ở đây, mình chỉ liệt kê những lợi ích của sự trải nghiệm bản thân, mà chỉ du học mới có thể mang lại.
Sống với một ngôn ngữ mới
Cư dân mạng một thời rộ lên chê trách một chị hoa hậu về khả năng ngoại ngữ, dù chị từng là dân chuyên ngoại ngữ và đang học trường đại học đỉnh.
Rồi bao nhiêu người, dù điểm IELTS hay TOEFL cao chót vót vẫn không hiểu người nước ngoài nói gì.
Cậu em trai 10 tuổi của mình nói tiếng Anh khá tốt (ít nhất so với lứa tuổi của em), lại sống trong khu vực phần lớn là trẻ em nước ngoài. Bố mẹ mình kỳ vọng em sẽ sống hòa đồng cùng đám bạn bè “Liên Hợp Quốc” đó. Nhưng cu cậu rút cục chỉ chơi với một vài người bạn Việt Nam, nơi cu cậu cảm thấy thoải mái nhất.
Mọi người đều ngại bước ra khỏi “comfortable zone - vùng an toàn” của mình, và việc dùng ngoại ngữ cũng vậy. Đừng ngạc nhiên, giỏi ngoại ngữ không thể chỉ qua học trên lớp, hay cày thật lực cho các kỳ thi, mà phải sống, phải trải nghiệm cùng nó.
Hòa mình trong môi trường đa quốc gia
Trường của mình có học sinh đến từ nhiều nước và môn bóng đá có sức hút mãnh liệt. Đó là ngôn ngữ chung của bọn mình, nơi thể hiện nhiều nhất cá tính mỗi dân tộc.
Không hề thiếu khiêm tốn khi khoe rằng, học sinh Việt ngoài việc học khá giỏi còn đá bóng rất cừ. Các trụ cột đội tuyển trường mình đều là người Việt. Tuy nhiên, nếu như toàn bộ người Việt tập hợp thành một đội thì kịch bản phổ biến xảy ra là một người sẽ cầm bóng và cố gắng rê dắt từ đầu đến cuối sân, mặc cho các vệ tinh chạy xung quanh luôn mồm la hét. Và nếu như các vệ tinh xung quanh đó có cơ hội nhận được bóng (thường là do cậu bạn kia sút bật ra ngoài), thì vòng tuần hoàn được lặp lại cho đến khi bóng bay thủng lưới nhà!
Không có các cá nhân xuất sắc như vậy, nhưng khi cùng nhau, các bạn người Nhật lại là một đội bóng tuyệt vời, luôn phối hợp đồng đội một cách nhịp nhàng dù không ai làm đội trưởng.
Còn các bạn Hàn Quốc là những người có thủ tục ra sân giống như một buổi biểu diễn thời trang thượng hạng, với rất nhiều mỹ phẩm dưỡng da, kem chống nắng và không quên... vuốt tóc sau mỗi 15 phút.
Bạn cùng phòng của mình, quốc tịch Australia, học không dở nhưng quyết định trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Tôn trọng định hướng của con, bố mẹ bạn chi khoản tiền không nhỏ (khoảng 40.000 USD mỗi năm), điều hiếm có với phần lớn bố mẹ Việt - những người vẫn coi cánh cửa đại học là con đường duy nhất cho tương lai.
Sống trong môi trường đa văn hóa, sự dị ứng với mọi điều bị coi là “lệch chuẩn” của mình phải thay đổi, để chấp nhận và hòa mình với những giá trị khác biệt..
Dám ước mơ
Harvard, Princeton, Yale,MIT, Oxford, hay University of Tokyo có phải là mơ ước xa vời của mỗi học sinh và các bậc phụ huynh?
Khi còn học trong nước, trong suy nghĩ của mình đó là những ước mơ đẹp nhưng ngoài tầm với. Những gì mình hy vọng - cũng như bao người khác - là một sức học vừa đủ giỏi, trong một ngôi trường đủ tốt, để rồi bước chân vào giảng đường đại học .
Một ngày đẹp trời, mình chợt thấy rằng anh bạn lớp trên mà mới hôm trước đã chia sẻ nửa gói mì cùng mình, với điểm SAT 2400 đã lọt vào top 8,6% ứng viên thành công của Đại học Brown - thành viên Ivy League (nhóm các trường đại học xuất sắc nhất nước Mỹ).
Mình cũng tin chắc rằng, trong số những bạn ngồi cùng xe, học cùng thầy, ăn cùng canteen, mặc quần đùi cùng rượt bóng với mình hằng ngày, sẽ không ít người trở thành học viên Harvard hay Stanford một ngày không xa, khi hằng năm trường mình nhận được hàng chục học bổng, hàng trăm thư chấp nhận từ các trường đại học danh giá.
Đường vào những trường đại học danh tiếng vẫn đầy thách thức, nhưng lại gần gũi hơn với bạn bè và mình, qua những anh chị lớp trên như vậy. Họ giúp mình thấy rằng, ai cũng có quyền ước mơ.
Yêu hơn gia đình
Khi còn học trong nước, cũng như phần lớn các bạn cùng lứa tuổi, mình đón nhận sự chăm sóc của mẹ, của người thân như những điều tất yếu.
Mất hộ chiếu khi chỉ còn vài ngày nữa về nước nghỉ Noel, mình thực sự xúc động khi cô quản lý ký túc xá bất kể thời gian đưa mình đi làm thủ tục xin cấp lại hộ chiếu và visa, trong khi cô quản lý học vụ cập nhật tình hình liên tục để bố mẹ ở nhà yên tâm.
Những lúc đó, mình cũng chợt thấy rằng mẹ đã từng đưa đón cả hàng năm trời, đã lo lắng từng bữa ăn ngon, từng giấc ngủ, cho dù hiếm khi nhận từ con một cái ôm thật chặt.
Mỗi bước đi xa, lại thấy gần hơn với gia đình. Mỗi khi nhận được sự quan tâm của một ai đó, lại thấy nhớ hơn, trân trọng hơn những gì mẹ, bố và người thân đã dành cho anh em mình.
Cho dù có rất nhiều mặt trái ở cuộc sống du học, nhất là với những học sinh phổ thông, từ sốc văn hóa, hay nguy cơ trượt dài trong lối sống buông thả, hoặc những khó khăn để thích ứng với lối học mới, nhưng rõ ràng, những lợi ích của cuộc sống du học đáng để đánh đổi, ít nhất cho giấc mơ công dân toàn cầu của lứa tuổi teen.