'Bốn điều nguy hại mới' ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, ở Trung Quốc xuất hiện thuật ngữ “Tân Tứ hại” (Bốn thứ hại mới), khiến người dân khổ sở. “Bốn thứ hại mới” này là gì? Tại sao chúng được gọi là “Tân Tứ hại” và có tác động xấu gì đối với cuộc sống?

Thuật ngữ “Tứ hại” (bốn điều nguy hại) - dường như xuất hiện vào thế kỷ trước, khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch “Toàn dân trừ Tứ hại” (diệt trừ bốn loài gây hại) để loại bỏ chuột, muỗi, châu chấu và chim sẻ.

Với sự tiến bộ của thời đại, “bốn loài gây hại” đó đã dần biến mất và ngày càng ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện “Bốn thứ hại mới”.

Tiền “cheo” (sính lễ) cao ngất

Sính lễ hiện nay đã trở thành chủ đề nóng được bàn tán sôi nổi, “Nhà nào có người cưới vợ, đòi số tiền bao nhiêu” có rất nhiều lời bàn tán, người ta không ngừng chú ý đến số tiền cha mẹ cô dâu đòi hỏi, chỉ có ngày càng tăng mà không giảm.

Về ý nghĩa truyền thống, tiền sính lễ là biểu thị mai mối nhân duyên sắp thành, gia đình đôi bên xác nhận hôn sự, một khi tiền “cheo” vượt quá khả năng của đương sự, bản chất của nó sẽ thay đổi, dần dần biến thành “Tiền cheo thách cao ngất trời”.

Một số cư dân mạng cho rằng, người càng nghèo thì càng đòi nhiều tiền sính lễ đính hôn, những gia đình có kinh tế khá giả thì không đòi nhiều. “Thách giá trên trời” đã trở thành căn bệnh xã hội mang lại gánh nặng tài chính nặng nề cho các gia đình, phổ biến nhất là ở vùng nông thôn.

Trung Quốc nam nhiều nữ ít, tỷ lệ nam nữ mất cân đối, để cưới được một cô dâu phải tốn rất nhiều tiền, mỗi đám cưới ít nhất cũng phải chi hai ba trăm nghìn tệ. Số tiền tiết kiệm cả đời sẽ đổ vào đó, gây lên nỗi bất mãn sâu sắc, thật là “Miệng ngậm bồ hòn, đắng mà không thể nói”.

Hơn nữa, xu hướng so bì tiền “cheo” đặc biệt nghiêm trọng khi mà vẫn có quan niệm “Tiền nhiều thì hôn nhân tốt”. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá cô dâu không thể hạ xuống.

Khám bệnh đắt và khó đi viện

Hiện nay, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó “khám bệnh đắt và khó đi viện” là một trong những vấn đề luôn khiến người dân đau đầu. Mạng sống và sức khỏe có được đảm bảo hay không vẫn là điều khó biết đối với một bộ phận dân chúng.

Mọi người đều biết bệnh viện là nơi tiêu tiền. Các hiệu thuốc không thể chẩn đoán kê đơn. Đến bệnh viện vì đau đầu và cảm cúm cũng phải chi hàng trăm tệ. Nhiều người ra sức chống đỡ, chống đỡ không xong mới buộc phải đi chữa. Rõ ràng là bệnh cảm sốt rất thông thường, khi vào bệnh viện vẫn phải trải qua toàn bộ quy trình, hết chiếu chụp rồi xét nghiệm, toa thuốc to đùng, bệnh nhỏ chỉ cần mấy chục tệ có thể giải quyết được, nhưng lại tốn cả mấy trăm tệ.

'Bốn điều nguy hại mới' ở Trung Quốc ảnh 1

Tiền sính lễ cao là nguyên nhân khiến nhều đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ

Mấy ai có thể nghĩ rằng chỉ vài trăm nhân dân tệ là đủ để một gia đình nghèo có thể sống tằn tiện trong cả tháng. Chi phí chẩn đoán và điều trị cao hoàn toàn vượt quá khả năng chi trả của kinh tế, đồng thời cũng khiến nhiều gia đình nghèo lâm vào cảnh khốn cùng. Đi cùng với đó là hàng loạt thủ tục rườm rà bắt đầu từ đăng ký lấy số, lấy máu xét nghiệm… Khám chữa bệnh đối với người cao tuổi thì càng nặng nề hơn, rất có thể lỡ mất cơ hội chữa bệnh do không quen với các bước thủ tục.

Nhìn chung, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm y tế xã hội, mở rộng diện bao phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, tối ưu hóa quy trình thủ tục khám chữa bệnh hiện vẫn là những ưu tiên hàng đầu.

Áp lực dưỡng lão

Xu hướng già hóa dân số ở Trung Quốc ngày càng rõ rệt, áp lực xã hội ngày càng lớn, căn cứ vào thực trạng xã hội hiện nay, con một ngày càng nhiều, người già cô đơn ngày càng đông, áp lực con cái chăm sóc cha mẹ già cũng ngày càng lớn hơn. Trước hết, cần đảm bảo người cao tuổi được hưởng an sinh xã hội một cách hiệu quả về bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ dưỡng lão xã hội, mặt khác, con cái và cha mẹ cần giao tiếp nhiều hơn để xây dựng bầu không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ.

Vệ sinh an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm liên quan đến an nguy cá nhân, vấn đề thực phẩm bẩn đã nhiều lần bị vạch trần, vỏ bọc che đậy cũng nhiều lần bị xé toang, cái ăn cái mặc của con người có được đảm bảo hay không đã là vấn đề mấu chốt. Các vấn đề về an toàn thực phẩm đang nổi lên hết lần này đến lần khác, những tin tức như cua chết qua đêm giả làm cua sống, chỉ tiêu khuẩn lạc trong một số loại đồ uống vượt quá tiêu chuẩn, thao tác nhà bếp bất bình thường… luôn khiến người ta thấy sốc.

Nhiều người tự hỏi ngày nay liệu có còn những thứ gì có thể ăn được? ngay cả dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả cũng trở nên cao quá mức, xã hội sao lại trở nên như thế này? Về vấn đề này, chính quyền cần tăng cường giám sát, thiết lập hệ thống giám sát an toàn thực phẩm đầy đủ và hoàn hảo, bảo vệ sức khỏe con người, ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra. Mọi người cũng nên nhớ hãy lựa chọn những cửa hàng chính quy, siêu thị để mua thực phẩm, không ăn thực phẩm hết hạn sử dụng, ôi thiu, không mua hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

“Bốn thứ hại mới” lần lượt xuất hiện, gây nhiều tác động xấu đến cuộc sống của người dân trên nhiều phương diện. Ngoài “Tân tứ hại” trên, một số nhà nghiên cứu còn đề xuất thêm hai điều “tân hại” nữa là “giá nhà cao ngất” và “cho vay trực tuyến”…

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.