Bolivia: Thứ trưởng bị thợ mỏ bắt cóc, đánh chết

Thứ trưởng Nội vụ Rodolf Illanes đã bị các thợ mỏ sát hại. Ảnh: Guardian
Thứ trưởng Nội vụ Rodolf Illanes đã bị các thợ mỏ sát hại. Ảnh: Guardian
TP - Khi làn sóng biểu tình của giới thợ mỏ Bolivia biến thành bạo lực, chính phủ nước này thông báo, một thứ trưởng nội vụ của họ vừa bị các thợ mỏ bắt cóc và đánh đập đến chết.

Thứ trưởng Rodolf Illanes đi gặp các công nhân mỏ biểu tình hôm 25/8 ở Panduro, cách thủ đô La Paz khoảng 160km, để điều đình, nhưng bị các thợ mỏ chặn lại và bắt cóc. “Vào lúc này, mọi dấu hiệu cho thấy Thứ trưởng Rodolfo Illanes đã bị ám sát dã man và hèn nhát”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Carlos Romero nói trên truyền hình. Chính phủ Bolivia đang nỗ lực tìm kiếm thi thể của ông Illanes.

Thứ trưởng Quốc phòng Reymi Ferreira cho biết, ông Illanes đã bị “đánh dã man” đến chết. Ông Ferreira bật khóc trên truyền hình khi mô tả việc ông Illanes bị đánh đập như thế nào. Trợ lý của ông Illanes trốn được và đang được điều trị trong bệnh viện. Ông Illanes được bổ nhiệm vị trí này hồi tháng 3 năm nay. “Tội ác này chắc chắn sẽ bị trừng trị. Chính quyền đang điều tra… Khoảng 100 người đã bị bắt”, ông Ferreira nói.

Các thợ mỏ Bolivia biểu tình đòi thay đổi luật khai thác mỏ, cho phép họ có quyền làm việc cho các công ty tư nhân và yêu cầu vai trò lớn hơn của công đoàn. Đợt biểu tình biến thành bạo lực trong tuần này sau khi nhiều thợ mỏ chặn một đường cao tốc. Hôm 24/9, hai công nhân bị cảnh sát bắn chết. Chính phủ thông báo, 17 cảnh sát bị thương. Một thời là đồng minh đắc lực của Tổng thống Evo Morales, Liên đoàn Hợp tác xã khai mỏ quốc gia Bolivia (Fencomin) nay tuyên bố đợt biểu tình sẽ không có hồi kết sau khi các cuộc đàm phán về luật khai mỏ thất bại.

Hầu hết các thợ mỏ Bolivia, một trong quốc gia nghèo nhất ở Nam Mỹ, làm việc cho các hợp tác xã, sống dựa vào nghề khai thác bạc, kẽm và thiếc. Rất ít công ty khai mỏ nước ngoài được hoạt động ở đây, khác với tình hình ở hai nước láng giềng Peru và Chile.

Khí đốt thiên nhiên chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Bolivia. Trưởng thành từ một người trồng cacao, Tổng thống Morales đã quốc hữu hóa ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên sau khi lên nắm quyền năm 2006. Ban đầu, bước đi này được hoan nghênh vì thu được nhiều tiền hơn cho các chương trình phúc lợi xã hội và thúc đẩy phát triển. Nhưng trong những năm gần đây, chính phủ của ông bị chỉ trích là độc đoán và ưu ái “con ông cháu cha”. Thậm chí, các công đoàn từng là lực lượng ủng hộ chính của Tổng thống Morales nay quay sang chỉ trích ông.

Theo Theo Guardian, Sky News
MỚI - NÓNG