Về công tác giải quyết án oan, ông Bình cho biết, VKS đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, qua đó kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.
Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, những trường hợp bị xét xử oan từ nhiều năm trước, khi được phát hiện, các Tòa án đã khẩn trương thực hiện các thủ tục xin lỗi công khai và bồi thường cho người bị oan theo đúng quy định của pháp luật.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về các báo cáo trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều trường hợp VKS truy tố chưa chính xác bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại hoặc tuyên bị cáo không phạm tội. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ, dù VKS các cấp đã bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự với số tiền trên 13,3 tỷ đồng, nhưng vẫn còn một số trường hợp bồi thường chưa kịp thời.
Ngày 22/3, báo cáo về công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong nhiệm kỳ qua trước Quốc hội, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cho biết, bình quân mỗi năm thực hiện khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán.
Nhiệm kỳ qua, KTNN đã cung cấp 54 bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát. Đồng thời chủ động chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, ông Vạn cũng nhìn nhận là trong lĩnh vực KTNN còn nhiều bất cập, hạn chế, biểu hiện qua việc có những cán bộ có sai phạm, suy thoái về tư tưởng, đạo đức. Năm năm qua, KTNN đã xử lý kỷ luật 53 công chức, trong đó buộc thôi việc 5 cá nhân, cách chức 4 cá nhân, cảnh cáo 7 cá nhân, khiển trách 32 cá nhân, kéo dài thời hạn nâng lương 5 cá nhân; phê bình 13 công chức và 1 tập thể.