Bội thực phim gia đình

0:00 / 0:00
0:00
“Cây táo nở hoa” cũng là phim gia đình dài tập trên HTV
“Cây táo nở hoa” cũng là phim gia đình dài tập trên HTV
TP - Bật ti vi vào giờ vàng, khán giả không còn lựa chọn nào khác ngoài phim về gia đình. Đời sống muôn màu, nhiều vấn đề nóng bỏng khác còn bỏ ngỏ trên phim ảnh.

Quẩn quanh từ nhà ra ngõ

Từ cuối năm ngoái tới nay, phim phát sóng khung giờ vàng trên VTV chủ yếu rơi vào mảng đề tài gia đình. Trở về giữa yêu thương vừa hết liền có Hương vị tình thân nối sóng vào 21h tối thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần trên VTV1.

Hướng dương ngược nắng ăn khách trên VTV3 là hành trình tranh đấu gia tộc, vừa dứt chiếu lại bắt ngay vào Mùa hoa tìm lại từ thứ Hai tới thứ Tư hằng tuần. Mâu thuẫn gia đình thương gia giàu có từ Hướng dương ngược nắng được đổi món thành chuyện lục đục họ tộc, chuyện trong nhà ngoài thôn xóm.

Hãy nói lời yêu vào thứ Năm, thứ Sáu hằng tuần trên VTV3 cũng xoáy vào bi kịch gia đình hiện đại.

Hương vị tình thân dự kiến dài 100 tập là một trong những phim trên VTV có tỉ suất người xem đông nhất. Tên phim gợi mở để khán giả nghĩ tới gia đình, cũng chính là điều nữ nhân vật chính Phương Nam (Phương Oanh) luôn khao khát và kiếm tìm. Quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, vợ chồng, con cái, anh em từ nhà giàu tới nhà khó được mổ xẻ dưới nhiều góc độ.

Phim cũng thu hút lượng tương tác lớn trên mạng xã hội. Các đoạn video trích đoạn đưa lên Youtube đều dễ dàng cán mốc triệu lượt xem. Khán giả bình phẩm không sót khía cạnh nào, kể cả khen chê diễn xuất của các diễn viên như Phương Oanh, Thu Quỳnh, Tú Oanh ngay khi phim vừa lên sóng.

Bội thực phim gia đình ảnh 1

“Hương vị tình thân” một trong số phim gia đình ăn khách trên VTV

Không riêng phim VTV, phim ăn khách nhất của đài truyền hình TPHCM cũng lại mời khán giả xơi chuyện nhà. Cây táo nở hoa Việt hóa từ kịch bản Hàn Quốc tập trung vào mâu thuẫn và bi kịch gia đình năm anh em Ngọc-Ngà-Châu-Báu-Dư. Dàn diễn viên mạnh như Thái Hòa, Hồng Ánh, Thúy Ngân, Nhã Phương, Trương Thế Vinh, Song Luân là một trong những yếu tố tạo sức hút cả trên truyền hình lẫn nội dung phát trên Youtube.

Có những tập phim Cây táo nở hoa đạt tới 5-7 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Thế nhưng nửa sau phim lại gây ra phản ứng tiêu cực. Hàng loạt chi tiết phi lí; bi kịch và bất hạnh dồn dập đổ lên đầu Ngọc và gia đình anh khiến khán giả quay lưng không muốn theo dõi nữa.

Lối mòn

Đạo diễn, TS. Hoàng Trần Doãn không quá lo ngại trước hiện tượng quá nhiều phim lấy gia đình làm trung tâm. “Tôi cho rằng việc nhà đài tập trung vào đề tài này hay đề tài khác trong một khoảng thời gian là chuyện bình thường. Gia đình vẫn là đề tài cuốn hút, phim làm ra vẫn đông người xem thì không có lí do gì để không làm. Hơn nữa, để tìm ra đề tài lành mạnh vừa đáp ứng nhu cầu người xem lại vừa hút quảng cáo để cân đối chi phí sản xuất là điều không dễ dàng”, Hoàng Trần Doãn nêu quan điểm.

Không ác cảm với đề tài gia đình, nhưng nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt chỉ ra lí do phim Việt Nam thời gian gần đây hầu hết chỉ xoay quanh đề tài quen thuộc này.

“Trước hết đó là nhu cầu có thật của phần đông khán giả màn ảnh nhỏ. Những câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ gia đình: cha mẹ, con cái, vợ chồng, dâu rể… luôn là đề tài gần gũi thiết thực với khán giả Việt. Tuy nhiên, nhu cầu rất lớn này dẫn đến các nhà sản xuất sẽ tập trung vào nó như là món ăn chính duy nhất trên bàn tiệc giải trí. Bên cạnh đó, đội ngũ biên kịch truyền hình có khả năng khai thác những đề tài khác ngoài gia đình là cực kỳ hiếm hoi, và nếu có cũng không đủ sức hấp dẫn”, Phong Việt nói.

Khai thác đề tài gia đình không bao giờ hết mốt, không lo mất đi tính thời sự, chỉ có điều khán giả thiệt thòi khi khuyết đi nhiều mảng miếng khác của đời sống. Truyền hình ngày càng mất ưu thế so với các nền tảng phim ảnh trực tuyến. Khán giả dễ dàng tiếp cận đủ món phim truyền hình của khu vực và quốc tế, cơ man đề tài và thể loại.

“Chất lượng phim Việt Nam thời gian gần đây được cải thiện đáng kể, nhưng còn thua xa các nước trong khu vực dù chỉ xét trên phương diện đề tài. Nào là giáo dục giới tính, ma túy, tội phạm, luật sư, lịch sử, tâm linh thậm chí kể cả đề tài ngôn tình của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan được xây dựng vừa ăn khách vừa nhân văn”, khán giả Thái An bày tỏ.

Giáo dục giới tính (Sex education) của Mỹ tiếp cận vấn đề nhạy cảm của vị thành niên rất tinh tế. Kiến thức về giới tính, tâm sinh lí tuổi vị thành niên được nhắc tới trực diện, hài hước, không hề thô tục mà trái lại lồng ghép nhiều bài học gia đình, bạn bè. Đề tài tình yêu được lồng ghép với thế giới trò chơi điện tử hấp dẫn trong Cá mực hầm mật của Trung Quốc.

Đề tài quân nhân cũng mềm mại vô cùng khi vào Hạ cánh nơi anh. Còn Cô gái đến từ hư vô của Thái Lan rất thành công khi khai thác bạo lực học đường. Đề tài rộng mở, bối cảnh cũng rất gần gũi chứ không cầu kỳ như phim cổ trang nên các nhà làm phim nhà ta không thể nại lí do kinh phí hạn hẹp, thiếu phim trường để né tránh.

Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định, đề tài gia đình không quá khó với biên kịch, câu chuyện dễ thu hút khán giả với nhà sản xuất, bộ phim mang đến nhiều quảng cáo cho nhà đài… tất cả những điều này sẽ khiến cho phim đề tài gia đình trên màn ảnh nhỏ sẽ còn bội thực dài dài.

“Dĩ nhiên, với đối tượng khán giả trẻ hơn có nhu cầu thưởng thức những bộ phim truyền hình chất lượng hơn, tất yếu họ sẽ chuyển sang xem các sê-ri phim nước ngoài trên các nền tảng phim trực tuyến có thu phí”, Phong Việt nói.

Thưa vắng phim chính luận

Mảng đề tài chính luận, hình sự lâu nay vẫn được cho là ưu thế của đài quốc gia so với các địa phương. Loạt phim như Cảnh sát hình sự, Chạy án, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy, Lựa chọn cuối cùng cho tới gần đây như Sinh tử ít nhiều giải cơn khát ở mảng đề tài nóng bỏng này. Phim hình sự gần nhất Hồ sơ cá sấu kết thúc đầu tháng 4 có phần hụt hơi so với sức hút của Sinh tử chiếu từ 2019 vắt sang 2020.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.