Bối rối vì lãnh đạo huyện cấm vận chuyển quặng vàng

Trạm kiểm soát tại thôn 4, Phước Đức (Phước Sơn) ngăn chặn việc vận chuyển quặng carbon từ nhà máy vàng Bồng Miêu qua nhà máy Phước Sơn. Ảnh : Ý Phạm.
Trạm kiểm soát tại thôn 4, Phước Đức (Phước Sơn) ngăn chặn việc vận chuyển quặng carbon từ nhà máy vàng Bồng Miêu qua nhà máy Phước Sơn. Ảnh : Ý Phạm.
TP - Huyện Phước Sơn (Quảng Nam) kiên quyết ngăn cản hoạt động vận chuyển quặng carbon ngậm vàng của hai nhà máy vàng trên địa bàn thì doanh nghiệp nói hoạt động của họ là hợp pháp, sự việc khiến các ngành chức năng Quảng Nam bối rối, cầu cứu xin ý kiến Bộ TN&MT.

Cty vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra VN) vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam can thiệp việc UBND huyện Phước Sơn không cho việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ nhà máy vàng Bồng Miêu qua nhà máy vàng Phước Sơn. Sự việc gây tranh cãi, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam buộc phải “cầu cứu” và chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ TN&MT về sự việc.

Theo Cty vàng Phước Sơn, từ ngày 23/11/2014, Cty này bắt đầu vận chuyển carbon từ nhà máy vàng Bồng Miêu qua nhà máy vàng Phước Sơn. Tuy nhiên, trước đó, ngày 16/11 UBND huyện Phước Sơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Sở TN&MT không thống nhất việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu qua Phước Sơn. Ngày 29/11, UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo lập chốt kiểm soát liên ngành tại thôn 4 Phước Đức (Phước Sơn) chặn xe chở carbon ngậm vàng. Cty vàng Phước Sơn khẳng định việc vận chuyển là hoàn toàn hợp pháp và đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Qua theo dõi, từ tháng 7/2013 đến nay, Cty vàng Phước Sơn đã vi phạm các quy định luật khoáng sản năm 2010. Cty còn vi phạm 2 lần xả thải chưa qua xử lý và bị UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng. Từ năm 2014 đến nay, Cty không đóng BHXH, BHYT và không thanh toán chế độ cho người lao động nghỉ việc. Hiện nay, Cty vàng Phước Sơn đã ngừng hoạt động, các bãi thải quặng của Cty chưa xử lý đúng như báo cáo tác động môi trường và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Nếu Cty vàng Phước Sơn tiếp nhận vàng từ Bồng Miêu qua để chế biến thì sự cố ô nhiễm liên quan đến chất độc hại Cyanua trên địa bàn Phước Sơn không thể lường trước.

Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã báo cáo sự việc lên Bộ TN&MT, hiện tỉnh vẫn đang chờ ý kiến của Bộ.

Cũng theo ông Hà, mức thuế suất của mỗi nhà máy khác nhau, lợi dụng việc vận chuyển này mà các doanh nghiệp có khi trao đổi quặng từ Phước Sơn về Bồng Miêu hoặc ngược lại nhằm đánh tráo các ngành chức năng, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý khoáng sản, môi trường và trốn thuế. 

Ngoài ra, việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Cty vàng Bồng Miêu về Phước Sơn để chế biến thì trong quặng vận chuyển này có lượng hóa chất độc hại lớn không xác định được, phương pháp xử lý môi trường như thế nào đối với lượng quặng này tại nhà máy vàng Phước Sơn trong đề án đánh giá tác động môi trường không nêu.

Theo ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu về Phước Sơn trong dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường chưa thể hiện nội dung này. “Do giấy phép khai thác chế biến, báo cáo tác động môi trường tại mỏ vàng Phước Sơn được Bộ TN&MT cấp phép, phê duyệt nên thẩm quyền cho phép thuộc Bộ TN&MT. Sở đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, đề nghị tỉnh có ý kiến với Bộ để xem xét giải quyết” ông Viễn cho biết.

Được biết, Cty vàng Bồng Miêu (tại xã Tam Lãnh, Phú Ninh) bắt đầu khai thác vàng trở lại vào ngày 30/9 sau khi các biện pháp cưỡng chế thuế hết hiệu lực. Cty vàng Phước Sơn vẫn ngừng hoạt động vì khoản nợ thuế gần 300 tỷ còn thiếu Quảng Nam. Hiện, tại hai Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu vẫn còn tồn đọng 60 tấn Cyanua giả nhập về từ Trung Quốc (Tiền phong đã thông tin) chưa có phương án xử lý. Trong đó, riêng tại Cty vàng Phước Sơn có 40 tấn. UBND tỉnh cũng giao sở Công Thương theo dõi, kiểm tra, giám sát phương án tiêu hủy của hai Cty và báo cáo trước ngày 30/12/2014.

MỚI - NÓNG