Góp ý đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014:

Bối rối tự chọn

Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2013. ẢNH: Hồng vĩnh
Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2013. ẢNH: Hồng vĩnh
TP - Theo dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của Bộ GD&ĐT, kỳ thi này sẽ có 4 môn trong đó hai môn bắt buộc và hai môn do thí sinh tự chọn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT hiện có hai luồng ý kiến.

Ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế:

Học không tự chọn, sao thi tự chọn?

Theo tôi, đổi mới thi tốt nghiệp theo hướng tự chọn có gì đó hơi vội vì chúng ta tổ chức thi theo hình thức này trong khi chưa dạy học tự chọn. Chúng ta cứ thử hình dung, mỗi lớp sẽ chỉ có 5 – 7 em thi sử, từng đó em thi địa, thi lý… Ở trên cô giáo dạy, ở dưới học trò ngồi học với tâm thế mình chẳng thi môn này, vậy cô giáo sẽ dạy thế nào, sẽ chấm điểm thế nào, các em sẽ tham gia như thế nào trong quá trình xây dựng nội dung môn học? Nếu không cẩn thận thì học kỳ II này việc dạy học sẽ hết sức khó khăn.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa:

Không nên để học sinh tự chọn môn thi

Chúng tôi cũng đồng tình việc tổ chức thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc hai môn tự chọn, nhưng ngoại ngữ cũng là một môn tự chọn chứ không phải môn khuyến khích nhưng phương án ban đầu của Bộ GD&ĐT.

Tôi cũng đề nghị, với các môn tự chọn, Bộ nên bốc thăm chứ không nên để học sinh tự chọn. Nếu để học sinh tự chọn thì rất khó khăn cho các Sở GD&ĐT trong khâu sao in đề. Đây là vấn đề khiến ở dưới Sở chúng tôi căng thẳng vô cùng trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp. Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An là những tỉnh có số lượng thí sinh dự thi rất lớn.

Như Thanh Hoá chẳng hạn, mỗi năm trên 50.000 thí sinh dự thi. Hội đồng sao in đề của chúng tôi phải làm vào khu vực cách biệt khoảng 2 tuần nếu sao in đề sáu môn. Giờ học sinh tự chọn thì sẽ có tới tám môn thi. Việc nhầm lẫn trong sao in đề là điều khó tránh khỏi. Nếu như vì thế mà phải dừng lại cuộc thi của cả nước thì điều đó lại lãng phí, tốn kém vô cùng và hậu quả chưa biết thế nào.

Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình:

Nên để cho các em tự chọn

Nhiều ý kiến cho rằng trong hai môn tự chọn phải là một môn tự nhiên, một môn xã hội. Tôi không đồng tình với đề xuất này. Tôi thấy rằng ta nên phân lập được từ hệ thống để hoàn thiện như một số nước phát triển. Hết bậc THCS các em đủ kiến thức căn bản, lên bậc THPT thì đã phân hóa là được rồi. Ở ta thì chưa phân hoá được từ dưới lên. Nhưng việc dạy học nên theo hướng đảm bảo để các em có điều kiện, có đủ năng lực tư duy để các em đi sâu vào các môn học, sau đó bước vào ĐH, như thế giáo dục mới có chất lượng được. Vì thế tôi đề nghị giữ phương án của Bộ GD&ĐT là cho các em tự chọn, không bắt buộc các em tự chọn tự nhiên/ xã hội. Các em có thể chọn lĩnh vực tự nhiên hay lĩnh vực xã hội là tùy. Còn định hướng của chúng ta với các em sẽ làm trong quá trình giảng dạy.

Theo nguồn tin mà Tiền Phong nhận được, hiện Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ điều chỉnh phương án đổi mới thi – công nhận tốt nghiệp THPT 2014 theo hướng tiếp thu một số góp ý của dư luận.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vẫn sẽ có bốn môn thi, trong đó hai môn thi bắt buộc hai môn thi tự chọn nhưng trong số các môn thi học sinh được chọn có môn ngoại ngữ (theo phương án ban đầu thì ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích).

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ không quy định miễn thi với tỷ lệ tối đa 20% cho những học sinh có kết quả học tập rèn luyện tốt nữa. Hầu hết học sinh đều phải thi tốt nghiệp, chỉ có một số rất ít được miễn thi theo quy chế hiện hành.

Chỉ nên thi 3 môn

“Theo tôi, về lâu dài, khoảng 4 - 5 năm nữa, khi điều kiện dạy học môn ngoại ngữ trong cả nước đồng đều, tốt lên rồi, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên thi ba môn học công cụ Văn, Toán, Ngoại ngữ là đủ.

Nhiều người vẫn còn băn khoăn khi cho rằng số môn thi ít đi có thể sẽ kéo theo hệ quả là học sinh sẽ học lệch, chỉ chú trọng vào các môn thi tốt nghiệp và thi ĐH,CĐ mà sao nhãng, lơ là các môn học khác. Thực tế, một bộ phận học sinh có tư tưởng thực dụng đó. Nhưng từ góc độ người thầy ở cơ sở chúng tôi nhận thấy việc học sinh học lệch, thiếu toàn diện hay không phụ thuộc nhiều vào cách quản lý, đánh giá, kiểm tra của nhà trường, thầy cô giáo.

Là những người thầy cô đang trực tiếp quản lý, dạy học ở bậc THPT, chúng tôi rất mong mỏi Bộ GD&ĐT có phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT mang tính căn cơ, ổn định lâu dài, để nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đỡ vất vả, lo lắng, phập phồng”.

Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh - Quảng Ngãi

MỚI - NÓNG