Góp ý về dự thảo thi tốt nghiệp THPT

Góp ý về dự thảo thi tốt nghiệp THPT
TPO - Tôi tên là Trịnh Văn Nam, giáo viên trường THPT Cẩm Lý – Lục Nam – Bắc Giang xin đóng góp ý kiến về dự thảo thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra như sau

Trước hết tôi đồng ý là giáo dục Việt Nam cần đổi mới, nhưng tôi không đồng ý với dự thảo về 2 phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra bằng những phản biện sau mong Bộ GD&ĐT nghiên cứu:

Thứ nhất theo tôi đây không phải là đổi mới mà chỉ là thay đổi, thậm chí đây là phương án đã thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Thứ hai là nếu như bắt đầu từ đổi mới kiểm tra đánh giá là chúng ta đang làm ngược, bởi đổi mới phải bắt đầu từ mục tiêu, nội dung chương trình, đội ngũ quản lý và giảng dạy, phương pháp…rồi mới đến kiểm tra đánh giá, thi cử. Bởi theo tôi chúng ta đã nhìn nhận để đổi mới về mục tiêu, nhưng nội dung chương trình thì chưa được đổi mới…thì lấy gì để đổi mới kiểm tra đánh giá, thi cử đây.

Thứ ba là theo hai phương án này học sinh sẽ học lệch, một học sinh THPT chỉ chú trọng học 4 đến 5 môn, còn các môn khác chỉ là học đối phó, bị ép buộc. Trong các nhà trường thực tế chúng ta đã biết học sinh thường thi gì học lấy, các môn học sinh không chọn để thi tốt nghiệp học sinh học đối phó, thậm chí là không học nhưng giáo viên những bộ môn đó cũng không giám cho học sinh những điểm dưới trung bình nhiều, bởi còn vì thành tích thi đua của họ. Từ đó dẫn đến một số môn học bị coi thường, dễ dãi cho điểm, đặc biệt là những môn học sinh có xu hướng chọn ít là các môn học thuộc nhóm xã hội (Lịch sử, địa lý, giáo dục công dân…). Thậm chí học sinh còn không thèm học môn Ngữ văn mà đi thi vẫn được 1 đến 2 điểm trở lên, bởi những kiến thức này là học từ cấp dưới rồi. Như vậy, việc tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức…sẽ đi đến đâu?. Giáo viên dạy các môn xã hội tâm lý sẽ như thế nào?

Thứ tư là chúng ta phải xác định giáo dục THPT có còn phải là giáo dục toàn diện nữa không, nếu thế thì theo tôi học sinh phải thi 6 môn như Bộ GD&ĐT đang áp dụng. Bởi đã là giáo dục toàn diện thì phải kiểm tra, thi cử toàn diện để mà đánh giá chất lượng khách quan nhất. Còn giáo dục là mang tính định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh thì phải đổi mới chương trình, nội dung tích hợp giáo dục phổ thông, đặc biệt là đổi mới giáo dục Đại học như thế nào để gắn với dự thảo hai phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra?

Thứ năm là các phương án này mà cả nước vẫn đỗ thi tốt nghiệp từ 90% trở lên, theo tôi nên bỏ kỳ thi này cho đỡ tốn kém tiền của Nhà nhước và nhân dân. Thay vào đó là đổi mới trong thi chọn ở cấp Đại học, Cao đẳng để lựa chọn ra những học sinh xứng đáng vào từng ngành theo khả năng, trình độ của họ nhằm đào tạo nguồn lực biết làm việc đáp ứng được nhu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thứ sáu là cách thay đổi trên Bộ nên lấy ý kiến của các nhà khoa học xã hội, giáo viên dạy các môn (Lịch sử, địa lý, chính trị, tâm lý, giáo dục công dân…) xem phản biện của họ như thế nào về hai phương án trên. Nếu không tôi e rằng họ không đồng thuận sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy các môn này và đổi mới trong thời gian tới.

Thứ bảy là các phương án này theo tôi cũng chư giảm được sự tốn kém về kinh phí, thậm chí trong tổ chức ôn thi và thi còn phức tạp. Cùng với đó là ra quyết định chọn phương án muộn sẽ gây hoang mang, chờ đợi, tâm lý mệt mỏi cho học sinh, giáo viên, các nhà quản lý. Vì vậy, theo tôi chưa nên thực một trong hai phương án này trong năm nay để mang tính ổn định.

Thứ tám là nếu chọn 20% học sinh giỏi, khá để xét tốt nghiệp sẽ nảy sinh tiêu cực, phức tạp, sai sót trong các trường THPT.

MỚI - NÓNG