‘Bốc thuốc’ chữa bệnh chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 20 vấn đề khiến giải ngân đầu tư công chậm, trong đó quy tụ lại 3 vấn đề gồm nhóm thể chế, chính sách pháp luật; tổ chức thực hiện và các khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022. Bộ này sẽ báo cáo Thủ tướng và Quốc hội tháo gỡ trước khi bước vào năm trọng điểm giải ngân đầu tư công 2023.

Sáng nay (17/12), tại hội thảo chuyên đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương - đánh giá, thời gian qua, giải ngân đầu tư công chậm và hiệu quả chưa cao đã trở thành căn bệnh kinh niên của Việt Nam.

Theo ông Hưng, trong 5 năm gần đây, giải ngân vốn đầu tư công liên tục suy giảm theo từng năm. Nếu năm 2017, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 73%, năm 2018 giảm xuống còn 66%, đến năm 2019 đạt khoảng 67%, năm 2020 đạt 82% và trong 11 tháng của năm nay, giải ngân chỉ đạt khoảng 58%.

“Nhiều khoản vốn chúng ta phải đi vay, việc giải ngân chậm làm tăng chi phí cơ hội và lãng phí nguồn lực của đất nước”, ông Hưng nói.

‘Bốc thuốc’ chữa bệnh chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đánh giá, giải ngân đầu tư công chậm đã trở thành căn bệnh kinh niên của Việt Nam

Dù thể chế và chính sách pháp luật được xem là yếu tố khiến đầu tư công chậm, song theo ông Hưng cùng hệ thống pháp luật, nhưng có những địa phương, bộ ngành thực hiện rất tốt.

Tính đến tháng 11 năm nay, Thanh tra Chính phủ giải ngân 100% vốn kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước 84%, Quảng Ngãi 83%, Tiền Giang 82%, Bình Định 81%. Trong khi đó, có 12 bộ, 1 địa phương thấp hơn 30%. 12 bộ, 10 địa phương thấp hơn 30%.

“Điều này đòi hỏi vai trò quan trọng của khâu tổ chức thực hiện. Ở đâu người đứng đầu quan tâm đến đầu tư công, việc triển khai đạt kết quả tốt hơn”, ông Hưng chia sẻ.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hiện Bộ đã gom lại 20 vấn đề cản trở giải ngân đầu tư công chậm, trong đó quy tụ lại 3 vấn đề, đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm tổ chức triển khai, thực hiện và nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 vấn đề vướng mắc thuộc 7 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công).

‘Bốc thuốc’ chữa bệnh chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đã nhận diện những nhóm vấn đề khiến đầu tư công tắc kinh niên

"Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124 của Chính phủ, trong đó đôn đốc chủ đầu tư triển khai nhanh thi công, có khối lượng thực hiện cần ra kho bạc thanh toán ngay", ông Phương nói.

Theo ông Phương, năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu năm với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 (khoảng 140 nghìn tỷ đồng và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021).

Đặc biệt, năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Sắp tới, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ những vướng mắc đã nhận diện", ông Phương nói.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, để đẩy nhanh đầu tư công cần phân rõ, và xác định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện, đồng thời kiểm soát chặt mục tiêu, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.