Bộ Y tế kêu 'bị oan' khi tăng viện phí

Bộ Y tế kêu 'bị oan' khi tăng viện phí
TP - Ngày 25/9, phiên thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách năm 2013 và xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách năm 2014 của Bộ Y tế trước Ủy ban Các vấn đề xã hội bỗng trở thành phiên “chất vấn” Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về các vấn đề nóng của ngành y tế như y đức, quá tải, viện phí.

> Dân số của Việt Nam đang già hóa nhanh chóng

Thanh tra Y tế chỉ thấy “vở sạch, chữ đẹp”

Nhắc lại những vụ việc tiêu cực trong ngành y tế vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng tại sao chỉ khi người dân hoặc báo chí phát hiện, Bộ mới biết, dù ngành y cũng có thanh tra, kiểm tra, thị sát?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần “khi thanh tra họ đưa ra “vở sạch, chữ đẹp” thì biết thế, nên chỉ khi nào nội bộ nói ra mới biết là sai”. Vì vậy, bà Tiến đề nghị các ủy ban và các đại biểu Quốc hội vào cuộc giám sát để giúp phát hiện những tiêu cực trong ngành.

Bộ Y tế kêu 'bị oan' khi tăng viện phí ảnh 1

 “Bộ Y tế muốn giữ chất lượng đầu vào. Nhưng khi Bộ Y tế muốn siết chặt thì Bộ Giáo dục lại muốn mở, các tỉnh cũng đề nghị xin thêm chỉ tiêu cử tuyển.  

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên khẳng định các vụ việc tiêm vacxin tại Quảng Trị khiến ba trẻ sơ sinh tử vong, ngoài nguyên nhân bất khả kháng, cũng còn vấn đề y đức. “Lỗi nặng nhất là sau khi xảy ra sự cố, bác sĩ có mặt quá muộn, khiến ba đứa trẻ lần lượt tử vong”, Đại biểu Tiên cho rằng dù trách nhiệm thuộc về địa phương, nhưng Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề trong các vụ việc như ăn bớt vacxin tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, tiêm chủng khiến ba trẻ sơ sinh tử vong tại Quảng Trị, vi phạm quy tắc về y đức gây tai biến sản khoa, nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức… Bộ Y tế đã có văn bản quy phạm pháp luật nào để xử lý các cán bộ có liên quan?

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết các sai phạm nêu trên đều có điều chỉnh tại Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các nghị định, thông tư của Bộ.

Riêng Vụ nhân bản mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), Bộ trưởng Tiến cho rằng “không thể hình dung được”. Đối với dư luận về việc “sao không khen thưởng người tố cáo”, bà Tiến khẳng định ngay sau khi biết được sự việc đã nhận được thông tin đề nghị khen thưởng những người dũng cảm tố cáo sai phạm. “Nhưng cơ quan điều tra nhắc nhở chúng tôi phải chờ, vì kết luận chưa cụ thể”, Bộ trưởng Tiến nói.

Đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị làm rõ phương thức thanh toán BHYT vừa qua có gì bất cập và cần đổi mới ra sao? Bộ trưởng Tiến khẳng định hiện nay thế giới có ba phương thức thanh toán BHYT, trong đó phương thức thanh toán theo phí dịch vụ mà chúng ta đang áp dụng là dễ bị lạm dụng nhất. Vì vậy, Bộ đang nghiên cứu và đề xuất thanh toán theo hình thức khoán định mức hoặc theo gói bệnh.

Cho rằng việc tiếp tục chương trình cử tuyển, chuyên tu sẽ hạ đầu vào của ngành y và sẽ để lại hậu quả nặng nề lên chất lượng đội ngũ y bác sĩ, y đức, đại biểu Lê Văn Lai đề nghị Bộ nêu quan điểm về việc này.

“Bộ Y tế muốn giữ chất lượng đầu vào. Nhưng khi Bộ Y tế muốn siết chặt thì Bộ Giáo dục lại muốn mở, các tỉnh cũng đề nghị xin thêm chỉ tiêu cử tuyển. Ở đây có vấn đề quyền lợi liên quan tới ngân sách của các trường. Sắp tới Bộ Y tế sẽ họp với Bộ Giáo dục để bàn rõ hơn về việc này”, bà Tiến thẳng thắn.

Bộ Y tế kêu “bị oan” khi tăng viện phí

Sáng cùng ngày, tại phiên họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng hoạt động khám chữa bệnh BHYT chưa thu hút người dân vì chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, bà Tiến nêu không phải do y đức, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân có bảo hiểm hay bệnh nhân dịch vụ mà do giá dịch vụ y tế quá thấp, lạc hậu. Vì vậy, viện phí cần thay đổi nhanh. Nhưng tháng 8 vừa qua khi mới điều chỉnh 3/7 yếu tố (tiền máu, vật tư, tiền thuốc) tại Hà Nội, đã bị Chính phủ lưu ý phải chậm lại do cho rằng tăng viện phí khiến CPI tăng cao, Bộ trưởng Tiến nói.

Bộ trưởng Tiến tiết lộ Bộ đã lập một “đội đặc nhiệm” để khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện và sẽ đầu tư “ra tấm ra món” chứ không đầu tư dàn trải như trước. Ngoài ra, Bộ thực hiện đề án bác sĩ gia đình, trong đó có việc kết hợp sử dụng BHYT ở bác sĩ gia đình. Đối với thái độ ứng xử của các y, bác sĩ sẽ có thang điểm để người dân chấm điểm.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ sự thông cảm với những khó khăn của ngành y, khi chữa bệnh cho hàng triệu người nhưng chỉ một sự cố đáng tiếc xảy ra khiến cả hệ thống bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, bà Mai đề nghị chính trong bối cảnh hiện tại, xã hội đòi Bộ Y tế mà cụ thể là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải có thông điệp gửi tới xã hội, đó là phải xử nghiêm các trường hợp vi phạm y đức.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng với mức đóng quỹ và tiền lương hiện nay thì đến 2013 quỹ bắt đầu âm khoảng 800 tỷ đồng. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế để rút khoản phải chi hỗ trợ các bệnh viện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.