Cũng theo ông Ba, Bộ Tư pháp cũng đã yêu cầu Hà Nội xem xét xử lý văn bản theo đúng quy định của pháp luật. Hà Nội phải căn cứ vào Nghị định 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật để dựa vào đó đưa ra hình thức xử lý. Trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP có quy định những hình thức xử lý cụ thể. Ví dụ, nếu sau về kỹ thuật thì phải đính chính, nếu sai nội dung thì phải hủy bỏ, bãi bỏ…
Trước câu hỏi của Dân trí về việc hai văn bản này có ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia tuyển dụng thì sẽ xử lý như thế nào, ông Ba cho hay: Việc Hà Nội thực hiện các quy định về tuyển dụng bao gồm thực hiện các quy định của Nghị định 29/NĐ-CP và các quy định liên quan của thành phố mà nó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự tuyển thì cái đó thuộc về thực hiện các quy định thì họ phải xem xét, giải quyết theo kênh riêng. Trong trường hợp này thì quản lý nhà nước về tuyển dụng là Bộ Nội vụ. Ở đây Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ có ý kiến về mặt các quy định ở trong văn bản thôi, Cục xem xét toàn bộ nội dung chứ không phải chỉ mỗi nội dung báo chí nêu.
Trước đó Bộ Nội vụ cũng đã làm việc với Hà Nội về những lùm xùm trong xét tuyển viên chức giáo dục năm 2015 của địa phương này. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khăng định: Căn cứ pháp lý trong tuyển dụng viên chức là Nghị định 29/NĐ-CP, mọi văn bản khác trái với Nghị định là không được phép. Một số văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành là chưa đúng với quy định của pháp luật, căn cứ ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và đào tạo phát biểu, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội thanh tra và hủy những văn bản này.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, hệ thống văn bản chưa chuẩn thì sẽ có nghiên cứu để sửa Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Thông tư 15. Việc Sở Nội vụ Hà Nội ra văn bản hướng dẫn Nghị định 29/2012/NĐ-CP là không đúng chức năng, thẩm quyền của mình, trái pháp luật. Bên cạnh đó cả văn bản hướng dẫn 2973 của Sở Nội vụ cũng như văn bản 3446 của UBND Thành phố Hà Nội là văn bản hành chính nhưng lại chứa quy phạm là không phù hợp.
“Nguyên tắc làm không đúng thì phải sửa, ban hành các văn bản không đúng quy định phải hủy. Hơn nữa, căn cứ vào các văn bản này hướng dẫn, Hội đồng tuyển dụng ở các Quận, huyện phải thực hiện theo nên nếu văn bản này bị hủy thì kì thi cũng phải xem xét lại kết quả” – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cảnh báo.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, Vụ Công chức – Viên chức và Vụ Pháp chế của Bộ nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo văn bản để thống nhất Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT sau đó sẽ gửi UBND TP đề nghị tiến hành xem xét giải quyết và thanh tra vụ việc này để xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định.
Mặc dù đã chỉ ra những sai phạm của Hà Nội nhưng sau buổi làm việc này cho đến nay đã hơn 1 tháng thì Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản chính thức gửi UBND Thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết vụ việc. Hàng chục thí sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả xét tuyển và bị trượt một cách oan ức vẫn đang ngày ngày mong đợi động thái xử lý mạnh của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, mặc dù nhiều lần khiếu nại về các văn bản của Sở Nội vụ Hà Nội ban hành trái quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh lên đơn vị này nhưng gần hai tháng trôi qua những người đứng đơn là chưa nhận được văn bản trả lời theo đúng quy định của pháp luật. Sự coi thường Nghị định của Chính phủ cũng như thái độ thờ ơ trong việc giải quyết khiếu nại không tuân thủ theo Luật Khiếu nại của Sở Nội vụ Hà Nội cần có sự vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm của UBND thành phố Hà Nội.