Bộ trưởng y tế đưa lời khuyên chặn virus Zika

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra lăng quăng tại bể chứa nước nhà số D5/9B khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra lăng quăng tại bể chứa nước nhà số D5/9B khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
TPO - Sáng 5/3, Bộ Y tế và UBND TPHCM đã phối hợp phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”.

Thông điệp mạnh mẽ nhất mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến muốn gửi đến cộng đồng thông qua chiến dịch này, chính là “mỗi người dân, mỗi gia đình hãy dành nửa tiếng đồng hồ mỗi tuần để thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng” trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết lưu hành và dịch bệnh do vi rút Zika gây ra nhiều khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Đây là 2 dịch bệnh có cùng đường lây truyền là loài muỗi vằn Aedes.

Trong chiến dịch này, Bộ Y tế đưa ra các hình thức cụ thể để người dân tham gia diệt muỗi, lăng quăng như thả cá bảy màu, vệ sinh và đậy kín các dụng cụ chứa nước. Thu dọn các vật phế thải, loại trừ các hốc rãnh tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ…

Bộ trưởng y tế đưa lời khuyên chặn virus Zika ảnh 1

Phát hiện nhiều nước và lăng quăng trong những két vỏ chai bia ngoài vườn nhà, Bộ trưởng y tế yêu cầu chủ hộ lật úp các vỏ chai không cho nước đọng. Ảnh: Quốc Ngọc

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngoài các hình thức vận động người dân, ngành chức năng của thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP đối với hành vi gây phát sinh muỗi, lăng quăng là nguồn lây bệnh.

Năm 2015, các quận huyện trên địa bàn đã ban hành 56 quyết định xử phạt những cá nhân, đơn vị vi phạm nghị định về công tác phòng chống dịch này. Chủ yếu là các công trình xây dựng để nước đọng, gây phát sinh muỗi.

“Đối với hộ dân, các quận huyện nên cân nhắc lựa chọn những gia đình sao cho việc ra quyết định xử phạt được khả thi. Phạt gia đình khó khăn quá thì không thể thi hành việc xử phạt được”, ông Hưng nói. 

Ông cũng cho rằng, khi đã xử phạt trường hợp nào thì địa phương cần phải tuyên truyền mạnh về trường hợp đó để làm gương cho mọi người ý thức.

Ngay sau buổi lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng với lãnh đạo TPHCM đi thực địa tại khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Tại đây, Bộ trưởng y tế vẫn phát hiện nhiều muỗi, lăng quăng trong các bình hoa dùng trưng trên bàn thờ của các hộ dân. 

Các vật dụng lu nước, bể chứa tuy có nắp đậy nhưng chưa bảo đảm đúng quy cách chuẩn. Phía sau vườn nhà một hộ dân còn nhiều chậu cây cảnh không được lật úp, những két vỏ chai bia chứa đầy nước và lăng quăng…

Bộ trưởng y tế đưa lời khuyên chặn virus Zika ảnh 2

Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TPHCM cùng thả cá bảy màu diệt lăng quăng. Ảnh: Quốc Ngọc

“Khảo sát mới thấy người dân nhiệt tình tham gia, có được trang bị kiến thức nhưng thực tế vẫn phát hiện còn nhiều vật dụng chứa nhiều lăng quăng”, bà Tiến đánh giá.

Bộ trưởng y tế còn nhận thấy, một số người lại chỉ nhớ khẩu hiệu của thời phòng chống bệnh sốt rét là “vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh”. 

Trong khi đó, theo Bộ trưởng, “thủ phạm” truyền bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết là muỗi vằn lại có tập tính đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch. Do đó, biện pháp phòng chống chính yếu là không cho muỗi đẻ trứng, không cho muỗi đốt bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước, lật úp những vật dụng có khả chứa nước phải, ngủ mùng… 

Việc phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết chỉ có thể thành công và bảo đảm tính bền vững khi được thực thi trên cơ sở ý thức tự giác một cách thường xuyên của mỗi người, mỗi gia đình.

MỚI - NÓNG