Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ có cơ chế khiến người 'ôm đất' phải nhả ra

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, sẽ có những cơ chế xử lý những trường hợp đầu cơ, găm đất không đầu tư, chờ giá đất lên, ví dụ như sử dụng công cụ về thuế. "Cơ chế sẽ làm cho những người đang ôm đất phải bỏ", ông Hà nêu.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chiều 16/3 tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đặt vấn đề, hiện nay tình trạng dự án chậm triển khai ở nhiều địa phương gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Nguyên nhân một phần là do vướng mắc quy định về đất đai. Bà Thuý đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu rõ quan điểm và giải pháp về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Hà, nếu thống kê về dự án chậm triển khai trong những năm qua sẽ rất lớn, điển hình như tại Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương khác.

Về nguyên nhân các dự án chậm triển khai, ông Hà cho biết, có nguyên nhân do cơ quan chức năng, doanh nghiệp vi phạm, có vi phạm về tài chính, có việc chậm giải phóng mặt bằng, có việc chậm đền bù...

"Trong quá trình xử lý, nếu cơ quan chức năng làm sai thì phải xử lý về hành chính, nếu doanh nghiệp làm sai thì xử lý về kinh tế, tài chính; nếu sai nữa, ảnh hưởng lớn, liên quan đến hình sự thì phải xử lý hình sự, sau đó phải trả lại đất để phát triển", ông Hà nêu quan điểm.

Bộ trưởng Hà cũng cho biết, hiện Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý về vấn đề này. Theo ông Hà, hàng nghìn dự án ở các địa phương khác hiện có các vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra, đều có sai phạm, liên quan đến kết luận của toà án, nhưng trên thực tế chưa giải quyết được.

"Nguồn lực đang nằm ở đây. Nguyên nhân chậm một phần cũng do đầu cơ, một lúc nhận nhiều dự án, nhận nhiều khu công nghiệp nhưng năng lực không có. Như quy định hiện nay, việc nhận Khu công nghiệp 7 năm không phải đầu tư gì. Đã đến lúc kiến nghị với Quốc hội không thể làm thế được", ông Hà nêu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, có những trường hợp hiện nay đang đầu cơ, găm đất, không đầu tư để chờ giá đất lên thì phải sử dụng công cụ về thuế. "Sắp tới sửa Luật Đất đai sẽ cùng nhau bàn vấn đề này. Cơ chế sẽ làm cho những người ôm đất phải bỏ đất. Giá đất đang cao có thể sẽ thấp xuống, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhà ở cho những đối tượng phân khúc thu nhập trung bình, nhà ở xã hội, nhà ở cho công chức, viên chức...", Bộ trưởng Hà nói thêm.

Một số ĐBQH đặt vấn đề, những dự án bỏ hoang đã nhiều năm, việc ban hành chính sách, cơ chế nêu trên vẫn chưa thành hiện thực. Bộ trưởng Hà cho rằng, để hạn chế các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, nên chăng đặt vấn đề khi tiến hành đấu giá phải đưa ra lộ trình thực hiện, có cơ chế xử lý nếu không thực hiện.

Ông Hà cũng nêu ví dụ, như ở Mỹ, rất sợ có nhiều nhà, nhiều đất mà không sử dụng, bởi bị đánh thuế rất cao. "Ông có 5 - 6 nhà tôi không quan tâm, nhưng nếu không sử dụng để ở hay cho thuê thì phải đánh thuế rất cao vì không mang lại hiệu quả cho xã hội. Cần có biện pháp kinh tế đủ mạnh để chi phối các nhà đầu tư, để không còn tình trạng găm hàng, đầu cơ", ông Hà nói, đồng thời đề xuất, nên chăng cần thiết có những biện pháp thay đổi quy định về cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định điều chỉnh về thuế.

"Cần thiết để mai có quy định thì có thể tối nay họp. Nguyên tắc và phương pháp tính thuế cũng nên tham khảo, học hỏi", ông Hà nói thêm.

MỚI - NÓNG