Trả lời báo chí về giải pháp đảm bảo ổn định giá xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao, cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.
Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc quản lý, điều hành thị trường xăng dầu là trách nhiệm Bộ Công Thương. |
Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Phớc cho biết, về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu. Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ, trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao, tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Phớc dẫn ví dụ, với chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định 1 lít xăng A92 là 975 đồng. Sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng chi phí định mức lên 1.320 đồng/lít xăng A95.
“Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ), đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống người dân. Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối rất quan trọng. Nước ta hiện có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối. Việt Nam cũng có tới 500 doanh nghiệp phân phối xăng dầu.
“Chúng tôi đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý, nhằm xây dựng bộ máy linh hoạt, hiệu quả và giảm chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất”, ông Phớc cho biết.