Điều hành thị trường xăng, dầu: Hai bộ 'vênh' nhau

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ cuối tuần qua đến nay, cùng với việc tái diễn cắt chiết khấu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu, việc cung ứng dầu trong hệ thống lại gặp vấn đề khi nhiều đại lý, cửa hàng không thể nhập được hàng. Tình trạng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính “đùn đẩy” trách nhiệm trong điều hành đã làm lộ ra nhiều vấn đề...

DN bán lẻ kêu khổ

Theo thông tin từ các Cục Quản lý thị trường phía Nam, TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng quản lý thị trường đã hoạt động hết công suất để kiểm tra việc bán hàng ở các cửa hàng xăng dầu. Nhiều cửa hàng xin dừng bán gia tăng, số cửa hàng treo biển hết dầu, xăng xuất hiện ngày càng nhiều.

Đại diện các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, PVOil cho biết, đã nỗ lực rất lớn trong việc đảm bảo cung ứng hàng cho các đại lý, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi cả hệ thống đều bị lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, sức ép lớn nhất với các doanh nghiệp lúc này chính là nhiều doanh nghiệp đầu mối nhỏ do không nhập đủ hàng theo quy định khiến hệ thống phân phối bị thiếu nguồn, kéo theo việc bán nhỏ giọt.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp có hệ thống 10 cây xăng ở khu vực phía Bắc cho biết, một điểm bất hợp lý của thị trường xăng dầu hiện nay, chính là việc doanh nghiệp đang khốn khổ vì bị cơ quan quản lý hành. Theo vị này, cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và quản lý thị trường dù gần 1 tháng rưỡi qua kiểm tra liên tục việc bán hàng của các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại nhiều địa phương trên cả nước nhưng đến giờ không hề công bố có bao nhiêu cửa hàng, đại lý bán lẻ có tình trạng găm hàng để trục lợi, vi phạm các quy định ra sao? Cùng với đó, quá trình kiểm tra, các lực lượng của Bộ Công Thương đều được các doanh nghiệp phản ánh tính trạng bị chiết khấu âm, đồng nghĩa doanh nghiệp đầu mối đang bán sai giá, cao hơn giá quy định của nhà nước mà sao không đơn vị nào xử phạt?

“Sao Bộ Công Thương dù biết nhưng không phạt doanh nghiệp đầu mối, phạt thương nhân phân phối vì lách luật, trốn thuế thu tiền vượt giá bán chênh cho doanh nghiệp, đại lý bán lẻ? Tại sao Bộ Công Thương lại chỉ toàn đè đại lý bán lẻ ra phạt với lý do cây xăng bán sai giá, không bán hàng? Vì sao lại có sự im lặng khó hiểu kéo dài cả tháng qua từ Bộ Công Thương cho đến các đầu mối, thương nhân phân phối trong việc giải thích nguồn cung trong hệ thống?...”, vị này nêu một loạt câu hỏi.

Lỗ hổng điều hành

Điều hành thị trường xăng, dầu: Hai bộ 'vênh' nhau ảnh 1

Một cây xăng ở Bình Dương đóng cửa. Ảnh: H.C.knb

Trước sức ép cũng như câu hỏi đặt ra của dư luận về khả năng điều hành, giám sát thị trường của Bộ Công Thương, sau một thời gian dài im lặng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lần đầu chính thức thừa nhận có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh ở nhiều địa phương. Cơ quan này xác nhận nguyên nhân chính của hiện tượng trên xuất phát từ việc các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Sau khi đổ lỗi cho Bộ Tài chính nhiều lần không phản hồi ý kiến về việc điều chỉnh chi phí để gỡ khó cho doanh nghiệp, Vụ Thị trường trong nước cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, văn bản được Bộ Tài chính công bố sau đó cho thấy có độ “vênh” về điều hành của hai cơ quan chịu trách nhiệm về điều hành giá xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, dù là cơ quản lý nhưng theo thống kê, sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý 3/2022 của các doanh nghiệp đầu mối đã giảm khoảng 40% với xăng, giảm 35% với dầu diesel so với quý 2/2022. Đây là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kéo theo giảm nguồn cung trên thị trường trong nhiều tháng qua.

“Việc đảm bảo cung ứng nguồn cho hệ thống chúng tôi đã khó khăn. Doanh nghiệp nào cũng bị lỗ lúc này nhưng việc đổ dồn sức ép sang chúng tôi như hiện nay thì khó có thể cầm cự lâu dài. Dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, tôi thấy xót xa khi từng đồng vốn tích cóp bao năm nhanh chóng bị bào mòn vì cách điều hành như hiện nay”, Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nói với PV Tiền Phong

“Nhận định của Bộ Công Thương cho rằng, việc chưa điều chỉnh chi phí vận chuyển trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để đảm bảo chi phí, duy trì hoạt động kinh doanh là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với thị trường”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cũng tiết lộ thông tin cho thấy việc quản lý thị trường của Bộ Công Thương đang có vấn đề. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm dù trước đó đích thân Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo các đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

MỚI - NÓNG