Đối thoại Shangri-La 2018

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: 'Trung Quốc sẽ gánh hậu quả'

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: People’s Daily.
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: People’s Daily.
TPO - Tiền Phong xin giới thiệu một phần bài phát biểu và phần hỏi đáp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La (diễn ra từ ngày 1-3/6 ở Singapore).

Ông James Mattis phát biểu:

“…Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc. Chúng tôi hiểu Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội trong những năm sắp đến. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ lựa chọn của Trung Quốc, nếu họ thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả tại khu vực năng động này.

Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông lại tương phản hoàn toàn với sự cởi mở trong chiến lược của chúng tôi. Chiến lược của chúng tôi thúc đẩy – những gì chiến lược thúc đẩy, đặt ra nghi vấn về mục đích lớn hơn của Trung Quốc. Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông bao gồm triển khai tên lửa chống tàu bè, tên lửa đất đối không, đài nhiễu điện tử, và gần đây hơn là cho máy bay ném bom đáp xuống đảo Phú Lâm.

Mặc cho các tuyên bố ngược lại của Trung Quốc, việc lắp đặt hệ thống vũ khí này gắn liền trực tiếp với mục đích quân sự nhằm đe dọa và uy hiếp. Quân sự hóa quần đảo Trường Sa cũng đi ngược với cam đoan công khai của Chủ tịch Tập tại Vườn hồng Nhà Trắng 2015 là họ sẽ không làm điều này.

Vì những lý do này, và để đáp trả ban đầu cho hành động quân sự hóa tiếp tục ở Biển Đông của Trung Quốc, tuần rồi chúng tôi đã hủy bỏ lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia vào cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, do hành vi của Trung Quốc không nhất quán với các nguyên tắc và mục đích của cuộc diễn tập RIMPAC, cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới, và diễn tập trên tinh thần minh bạch và hợp tác”…

Ông James Mattis trả lời:

-“…Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ gánh hậu quả khi bỏ lơ cộng đồng quốc tế… Chẳng có gì sai khi cạnh tranh, chẳng có gì sai khi có vị trí vững mạnh, nhưng khi chứng kiến những gì họ đã làm tại Biển Đông, thì sẽ có hậu quả.

Nếu ông hỏi tôi cách đây hai tháng, tôi đã nói là chúng ta vẫn cố gắng duy trì quan điểm hợp tác với Trung Quốc. Chúng tôi mời họ tham gia RIMPAC và vào cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới để duy trì kênh liên lạc quân sự cởi mở và minh bạch giữa chúng ta.

Nhưng khi ông nhìn vào những gì Chủ tịch Tập nói trong Vườn hoa hồng Nhà Trắng năm 2015, họ sẽ không thiết lập quân sự trên quần đảo Trường Sa, rồi sau đó chúng tôi đã thấy những gì xảy ra cách đây bốn tuần, đã đến lúc phải có hậu quả cho điều này. Việc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới sẽ không có Hải quân Trung Quốc tham gia. Nhưng đây chỉ là một hậu quả tương đối nhỏ, và tôi tin rằng có nhiều hậu quả lớn hơn trong tương lai…

Rồi quý vị phải tự hỏi tại sao các hành động quân sự làm mất mặt chính trị lại được một quốc gia thực hiện. Giá trị để thực hiện các hoạt động quân sự là gì? Thứ nhất, chúng ta dư biết không ai sẽ chiếm cứ những nơi này. Chắc chắn chúng ta có thể giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình. Nếu chỉ đơn giản sử dụng vũ khí để làm những gì các tòa án quốc tế không tán thành, thì không phải là cách hợp tác lâu dài cho vai trò phục vụ khu vực quan trọng cho tương lai của Trung Quốc và chúng tôi tôn trọng điều đó, đây còn là tương lai của nhiều quốc gia khác nữa”…

-“…Chúng tôi đã được các tòa án quốc tế cho biết là không có đường chín đoạn, và cũng không có cơ sở pháp lý cho điều này - chúng tôi theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi theo đúng các tòa án quốc tế. Chúng tôi lắng nghe mối quan tâm của mỗi quốc gia”…

MỚI - NÓNG