Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải nguyên nhân nơi giải ngân tốt, nơi kém hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhắc lại ý kiến được nhiều đại biểu nêu, tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, bộ kia tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, còn nơi khác lại thấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Sáng 1/6, giải trình những vấn đề đại biểu đưa ra sau 1,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu ra hàng loạt những khó khăn của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải nguyên nhân nơi giải ngân tốt, nơi kém hiệu quả ảnh 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Cụ thể, theo ông Dũng, sau một thời gian dài chống dịch, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế bị bào mòn. Trong khi đó, năng lực chống chịu, thích ứng và đối phó trước các biến động bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc một số bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ của mình cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trong hoàn cảnh trên, việc tăng trưởng quý I đạt 3,32% được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá “tích cực”. “Điều quan trọng là chúng ta vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo, nhất là thị trường dịch vụ và du lịch phục hồi rất mạnh, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được quan tâm và giữ vững”, ông Dũng nói.

Về giải pháp, ông Dũng cho biết Chính phủ đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp và đã có rất nhiều các chính sách để hỗ trợ, như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường.

“Thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu có những biện pháp, những chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Với lĩnh vực đầu tư công, nhắc lại ý kiến được nhiều đại biểu nêu, tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, bộ kia thì triển khai tốt, tỷ lệ cao, mà địa phương khác, ngành khác tỷ lệ lại thấp, ông Dũng cho rằng nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi hiện nay phân cấp, phân quyền đã triệt để.

Ông Dũng cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đã giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, đến lập dự án, đến chuẩn bị dự án cho đến giải ngân đầu tư công, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án, triển khai, tổ chức thi công. Bộ KH&ĐT hay các cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp và rà soát.

“Tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và theo hướng là Trung ương tập trung quản lý những vấn đề lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát. Còn những vấn đề thực hiện thì cấp địa phương phải thực hiện và phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng thông tin.

MỚI - NÓNG