Có chủ quyền, có trí tuệ sao cái gì cũng sợ?
Gần đây có nhiều ý kiến phản ánh, lo ngại về dự thảo Luật đặc khu. Là cơ quan chủ trì, ban soạn thảo tiếp thu những ý kiến ra sao, thưa bộ trưởng?
Việc này cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nói rất nhiều. Bản thân tôi cũng đã trả lời rất nhiều lần về vấn đề này. Tuy nhiên, quyền quyết định sẽ thuộc về Quốc hội, ban soạn thảo không có quyền. Vòng một là ban soạn thảo trình, vòng hai do cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Bây giờ cơ quan soạn thảo chỉ lắng nghe và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thế nào thì làm theo. Còn trình bày quan điểm thì cơ quan soạn thảo đã nói quá nhiều.
Một góc Vân Đồn.
Ông thấy sao khi dư luận phản ứng vì cho rằng dự thảo này có “gắn yếu tố Trung Quốc”?
Dự thảo luật không có một chữ nào về Trung Quốc ở trong đó hết, chỉ có những cái họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, gây chia rẽ quan hệ của ta với Trung Quốc. Còn luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước.
Môi trường hội nhập quốc tế chúng ta đang mở nên bình đẳng, không hạn chế người này người khác. Cũng không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta có chủ quyền.
Chúng ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe. Mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai. Cái đúng thì các cơ quan phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. Nhưng cũng còn có người cố tình đẩy câu chuyện lên để phá hoại.
Cần phải làm khách quan, không sau này phải trả lời với lịch sử, rằng, trong thời khắc lịch sử ấy, ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm, không có suy nghĩ, tư duy. Cái gì cũng sợ thì không làm được.
Năm 1988, Đặng Tiểu Bình đã nói ở Thẩm Quyến. Vào thời điểm đó cũng có nhiều ý kiến và Đặng Tiểu Bình đã nói: “Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa”. Rồi năm 1992 lại rộ lên trào lưu có ý kiến, Đặng Tiểu Bình lại nói lại câu trên. Và bây giờ câu đó được khắc trên bia đá ở Thẩm Quyến. Cái gì hay mình phải học, bất kể là ai. Trung Quốc hay mình cũng phải học Trung Quốc.
Chúng ta có chủ quyền, có độc lập, có trí tuệ, sao cái gì cũng sợ? Phải chú ý lắng nghe. Nhiều nước không muốn mình phát triển, người ta không muốn mình đổi mới, cải cách hay phát triển.
Mình phải mạnh dạn làm đi, cái gì cần chặt chẽ thì thiết kế cho chặt chẽ. Làm thận trọng là đúng nhưng không vì thế mà không làm.
Không dễ gì để họ di dân
Vậy còn phương án cho thuê đất 99 năm thì sao, thưa bộ trưởng?
Cái này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu có thể thì thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép? Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền phải cao hơn.
Điều quan trọng nhất với đặc khu là thể chế, môi trường kinh doanh để nhà đầu tư phát triển chứ không phải thiên về ưu đãi?
Thể chế và môi trường là quan trọng nhất. Trong 85 điều thì có 25 điều giải quyết câu chuyện đó, chứ không phải vấn đề ưu đãi. Ưu đãi phải có nhưng ở mức hợp lý, và đã điều chỉnh giảm rất nhiều, giờ gần như xuống không có gì nữa rồi. Dự thảo đã giảm rất hợp lý rồi và vẫn đi theo hướng tạo môi trường, thể chế thuận lợi.
Có ý kiến cho rằng, chỉ nên thí điểm áp dụng với một đặc khu chứ không phải ba đặc khu như dự thảo hiện nay?Ý kiến bộ trưởng thế nào?
Cái đó tôi không có quyền. Song cái này phải khách quan, công tâm, bình tĩnh, trí tuệ, bản lĩnh, không nên dẫn dắt sai dư luận, không thì về sau có lỗi với lịch sử.
Có đại biểu cho rằng, không nên “đánh đổi” quốc phòng an ninh lấy phát triển kinh tế tại các đặc khu. Bộ trưởng thấy sao về vấn đề này?
Trong thiết kế luật có điều khoản nào nói đánh đổi hay không? Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này: Không ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường, người dân. Nguyên tắc đầu tiên, cơ bản và quan trọng bậc nhất khi thiết kế luật này là không được cao hơn Hiến pháp và không ảnh hưởng 4 yếu tố trên.
Các dự án phải nằm trong quy hoạch. Các quy hoạch đó không được xâm phạm tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân, chủ quyền. Dự án phải có mục tiêu và ta quản lý theo dự án, quy hoạch, mục tiêu nên không sợ gì. Họ làm sai quy hoạch thì ta không cho, sai mục tiêu thì ta không cho. Họ không làm thì ta thu hồi đất…
Những điều này đều có luật pháp điều chỉnh. Không có điều khoản nào nói đánh đổi cả. Thận trọng là đúng, nhưng tinh thần luật không phải vậy. Dư luận không nên nghĩ theo chiều hướng này.
Một điểm đáng chú ý khác được đại biểu nêu ra, khi cho rằng, nếu giao đất tới 99 năm dễ dẫn tới những cuộc di dân từ nước ngoài vào các đặc khu?
Việc này đã có nhiều luật quy định, điều chỉnh việc người nước ngoài mua, sở hữu đất ở Việt Nam như Luật Nhà ở. Với những quy định chặt chẽ của hệ thống pháp luật hiện giờ không dễ gì họ di dân đến cả.
Cảm ơn ông.
“Trong thiết kế luật có điều khoản nào nói đánh đổi hay không? Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này: Không ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường, người dân. Nguyên tắc đầu tiên, cơ bản và quan trọng bậc nhất khi thiết kế luật này là không được cao hơn Hiến pháp và không ảnh hưởng 4 yếu tố trên”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng