Bộ trưởng Hầu A Lềnh lần đầu ngồi 'ghế nóng': Điều quan trọng là nói thật, chia sẻ thật

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Được lựa chọn chất vấn, tôi cảm thấy lo lắng, vì chưa biết các đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm tới vấn đề gì. Chính vì vậy, tôi sẽ phải chuẩn bị một cách hết sức nghiêm túc để cung cấp thông tin cho các đại biểu, đặc biệt là những lĩnh vực mình đang được giao quản lý”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ.

Phóng viên báo Tiền Phong trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khi lần đầu tiên ông trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh lần đầu ngồi 'ghế nóng': Điều quan trọng là nói thật, chia sẻ thật ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Nói thật, chia sẻ thật

Bộ trưởng có thể chia sẻ cảm xúc cá nhân mình khi lần đầu tiên được lựa chọn trả lời chất vấn trước Quốc hội?

Quả thực, tôi cũng cảm thấy rất lo lắng, bởi vì mình chưa biết các đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm tới vấn đề gì. Chính vì vậy tôi sẽ phải chuẩn bị một cách hết sức nghiêm túc để cung cấp thông tin cho các đại biểu, đặc biệt là những vấn đề của ngành, lĩnh vực mình đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao quản lý.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030); chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc… Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng… cùng “chia lửa” về những vấn đề liên quan.

Đối với những lĩnh vực ở vùng ở đồng bào dân tộc, thuộc về chính sách dân tộc, nhưng do các bộ, ngành khác quản lý, sẽ phối hợp với các bộ, ngành để mình có thông tin cơ bản trao đổi với các đại biểu.

Trong trường hợp lĩnh vực đó thuộc về các ngành khác, thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công một số bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành phối hợp với mình để cùng trả lời, cùng cung cấp thông tin cho đại biểu.

Chúng tôi hoàn toàn chủ động chuẩn bị các nội dung này, và quan trọng nhất là phải chuẩn bị thật kỹ. Trách nhiệm của người trả lời chất vấn phải đưa lên hàng đầu. Điều quan trọng là nói thật, chia sẻ thật, còn cái gì chưa biết thì chúng ta có thể hỏi thêm, tìm hiểu thêm.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là một chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước. Được Quốc hội lựa chọn chất vấn lĩnh vực này cũng là dịp để chúng tôi cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, cho toàn thể cử tri và những người quan tâm đến chính sách dân tộc, để hiểu hơn về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và những việc hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang làm.

Bên cạnh đó, qua ý kiến của các đại biểu, mình hiểu thêm được tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, cử tri, hệ thống chính trị mong muốn gì về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, từ đó chúng tôi đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành triển khai trong giai đoạn tới. Chính vì sự quan tâm ấy nên mình phải có trách nhiệm chuẩn bị rất nghiêm túc về tất cả những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực của mình.

Tin tưởng tính khả thi của các dự án

Liên quan đến việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, qua giám sát ở một số địa phương, đại biểu Quốc hội băn khoăn, khi tình trạng “vốn chờ thủ tục” diễn ra phổ biến; nhiều văn bản hướng dẫn vừa chậm, vừa không phù hợp. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Việc các đại biểu băn khoăn về mặt thời gian là đúng. Lý do vì Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ năm 2019 và được phê duyệt chủ trương từ năm 2020. Theo đó, Chính phủ phải tiến hành rất nhiều việc tiếp theo, ban hành các hệ thống văn bản hướng dẫn các quy định pháp lý để triển khai. Đến bây giờ chủ trương này đang được triển khai ở các địa phương.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh lần đầu ngồi 'ghế nóng': Điều quan trọng là nói thật, chia sẻ thật ảnh 2

Theo ĐBQH Tạ Thị Yên, tình trạng “vốn chờ thủ tục” trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn diễn ra phổ biến. Ảnh: PV

Đến thời điểm này, nếu nhìn vào số lượng giải ngân so với tổng số vốn được bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025, thì thấy đúng là tỷ lệ giải ngân thấp. Nhưng khi tháo gỡ tất cả các văn bản pháp lý và hướng dẫn của các địa phương được thông suốt, thì việc giải ngân cũng đơn giản. Các danh mục, công trình cũng như các nội dung có liên quan đến giải ngân đầu tư công rất gọn, không lớn như các chương trình khác.

Nếu là công trình lớn, cần thời gian rất dài để thực hiện thì chúng tôi sẽ rất lo. Nhưng vì ở đây đa phần là những công trình nhỏ, thời gian triển khai có khi trong một năm đã kết thúc. Như vậy, có thể làm công tác chuẩn bị rất kỹ, có đầy đủ văn bản hướng dẫn, đến năm 2024 đã có thể triển khai xong rồi.

Như vậy việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia có thể hoàn thành tiến độ nghị quyết Quốc hội đặt ra, đến năm 2025, thưa ông?

Như tôi vừa đề cập, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia có đặc thù khác với các công trình trọng tâm, trọng điểm có quy mô lớn, thời gian dài. Các dự án này sử dụng nguồn lực đầu tư công, nhưng đặc điểm công trình này rất nhỏ, thời gian thi công ngắn. Cho nên, việc đảm bảo đến năm 2025 giải ngân được khi có đầy đủ các điều kiện thì cũng hoàn toàn khả thi.

Cũng phải nói thêm rằng, chương trình này của chúng tôi kéo dài trong cả một giai đoạn (2021-2025) chứ không phải chỉ diễn ra trong từng năm. Cho nên có những công trình, năm nay anh làm công tác chuẩn bị đầu tư, sang năm triển khai thi công thì đến cuối năm đã xong rồi, vì dự án đa phần nhỏ, không có công trình nào quy mô lớn.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ

Tiếp tục chương trình kỳ họp, từ ngày 6 - 8/6, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc, người trả lời chất vấn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Khoa học và công nghệ, người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; và nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải, người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. Cuối cùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.