Hơn một nửa tháng nay, sau lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về “chấm dứt” nạn văn mẫu, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó, chủ đạo vẫn là ủng hộ. Rất đông đảo giáo viên, giảng viên nhiệt tình hiến kế.
Liệu trong thời gian tới có dẹp bỏ "văn mẫu" hay không và nếu dẹp thì thay thế bằng gì là một chủ đề đang được bàn thảo từ các nhà giáo và giới chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.
Là người trực tiếp giảng dạy và cũng mong muốn loại bỏ “văn mẫu”, cô Đình Thị Thủy, giáo viên dạy văn trường Hoài Đức A, (Hà Nội) cho rằng, “văn mẫu” đáng ra cần được dẹp bỏ nhiều năm rồi nhưng vì mục đích thực dụng là phục vụ cho việc thi nên nó cứ tồn tại mãi đến bây giờ.
Văn mẫu có đất sống là vì… thi cử
Theo cô Thuỷ, về quan điểm giáo dục, từ trước đến giờ không ai đưa ra quan điểm giáo dục để học sinh học theo văn mẫu. Tuy nhiên, thực tế giáo viên và học sinh vì mục đích khác nhau, thậm chí rất thực dụng là phục vụ cho điểm số, cho thi cử nên văn mẫu vẫn có đất sống.
Theo cô Thủy, thực tế là người dạy, ra đề kiểm tra trên lớp và hàng năm tham gia chấm thi Ngữ Văn kì thi vào lớp 10 hay tốt nghiệp THPT ở Hà Nội, điều khiến cô Thủy thấy nản chính là nạn văn mẫu, 10 bài văn như một.
Cô Thủy chia sẻ, khi đi chấm thi, đọc nhiều bài viết cũng có kiến thức, ngôn từ hay nhưng khi đọc 10 bài giống nhau thì biết họ từ một “lò” mà ra cả. Điều này tạo lên sự nhàm chán.
“Nói đổi mới để dẹp bỏ văn mẫu có vẻ dễ nhưng tôi thấy thực tế nước mình còn nhiều điều kiện hạn chế. Trong tương lai thì có thể thay đổi dần chứ trong vài năm tới đây thì chắc vẫn khó thay đổi được”- cô Thủy nêu quan điểm.
Đề xuất thay đổi trong cách ra đề thi
Cô Đình Thị Thủy cho rằng, khó có thể thay đổi ngay lập tức và làm biến mất văn mẫu được vì cơ chế giáo dục, chương trình giáo dục 2008 đến giờ vẫn sách giáo khoa như thế, vẫn thi nội dung chủ yếu trong sách giáo khoa như vậy.
Mặc khác, cô Thủy cho rằng, đề thi từ 2017 đến nay câu Nghị luận xã hội dù tác phẩm lấy từ bên ngoài sách giáo khoa nhưng vẫn theo một khuân mẫu, các năm không khác nhau là mấy. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho văn mẫu phát triển.
“Điều nay cho thấy môn văn có thay đổi khoảng 50% là trong đề thi khi phần đọc hiểu và nghị luận xã hội dùng kiến thức bên ngoài để làm. Nếu năm nay giả sử có thay đổi ở môn Ngữ văn thì cùng lắm ở đổi mới hình thức ra đề và cách hỏi sáng tạo thôi chứ bảo ra đề ngoài sách giáo khoa ngay lập tức thì không thể thực hiện được”- cô Thủy nói.
Vì theo cô Thủy, mọi năm học sinh ôn theo đề, thậm chí “ngóng” đề minh họa ở Bộ mà trong năm tới bỏ luôn thì rất khó vì tạo áp lực và dư luận xã hội. Việc thay đổi này sẽ tạo áp lực đột ngột dội vào học sinh và giáo viên.
“Nếu thay đổi và dẹp bỏ văn mẫu theo tôi cần rất nhiều vấn đề từ quan điểm dạy học, chương trình, giáo trình dạy môn Ngữ văn. Thậm chí, ở vấn đề con người, cần có thời gian để đào tạo lại giáo viên”- cô Thủy nói.
Cô Thủy cho rằng, muốn bỏ văn mẫu thì bắt buộc đề thi trong thời gian tới sẽ “thoát li” tác phẩm trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa nên tuyển chọn những tác phẩm mang tính chất kinh điển của Việt Nam cũng như trên thế giới. Trong quá trình dạy và học, thầy cô sử dụng văn bản đọc giúp học sinh hiểu giá trị của tác phẩm, cảm thụ tác phẩm đó. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì không lấy các tác phẩm đó, nếu có chỉ nên lấy tác phẩm khác của tác giả đó mà thôi.
“Là giáo viên đứng lớp, tôi ủng hộ quan điểm học và thi ngoài tác phẩm sách giáo khoa, Như vậy, mới khiến giáo viên cảm thấy được sáng tạo và thích thú. Mặt khác, giáo viên dạy môn Ngữ văn lúc đó còn được học sinh đề cao hơn. Đương nhiên, để làm được điều đó, giáo viên phải chủ động nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn”- cô Thủy chia sẻ.