Bộ trưởng Công Thương: Không thể chạy theo thành tích

Container chở hàng xuất nhập khẩu chờ làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).
Container chở hàng xuất nhập khẩu chờ làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).
TP -  “Không thể chạy theo thành tích, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng mọi giá, đảm bảo yêu cầu hiệu quả cho đất nước trong thời buổi hội nhập” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Ngày 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Tại đây, tổ công tác đã truyền đạt ý Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ thời gian qua, đồng thời lưu ý một số vấn đề cần xử lý tiếp như 12 dự án thua lỗ, bán vốn Nhà nước giai đoạn tới.

Cắt giảm bộ máy cồng kềnh

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có 5 vấn đề lớn được Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý trong công tác KTCN đã được Bộ Công Thương triển khai triệt để và nghiêm túc thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý, với việc ban hành Quyết định 3648/QĐ-BCT ngày 8/9/2016 của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đã có 420 sản phẩm trong tổng số 720 sản phẩm quy định trước đó đã được loại bỏ phải KTCN trước thông quan, chiếm hơn 58% tổng số sản phẩm trước đó thuộc diện phải kiểm tra. Hiện, tất cả các sản phẩm thuộc diện phải KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của bộ đều đã được cụ thể hóa theo mã HS (hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa) đến cấp độ 8 số nhằm đảm bảo rõ ràng, thuận tiện cho doanh nghiệp (DN) và cơ quan kiểm tra.

Vấn đề tồn tại đang được các DN quan tâm là sự “chồng chéo” về KTCN trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP). Chẳng hạn, mặt hàng sữa vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Theo Bộ Công Thương, nội dung này đã được thảo luận, hy vọng sẽ được tháo gỡ thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, việc Bộ xóa bỏ được 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong tổng số 1.216 ĐKKD do Bộ quản lý là kết quả làm việc quyết liệt . Tuy nhiên, đây chưa phải là những ĐKKD cuối cùng, còn phải rà soát thêm theo tinh thần công khai, minh bạch. “Không thể chạy theo thành tích, phải tháo gỡ khó khăn cho DN bằng mọi giá, đảm bảo yêu cầu hiệu quả cho đất nước trong thời buổi hội nhập” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc cắt giảm, bãi bỏ nhiều ĐKKD không chỉ tháo gỡ khó khăn cho DN mà còn phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, hiệu quả kinh tế. “Chúng ta đang muốn cắt giảm rất nhiều thủ tục rườm rà, cả chi phí chính thức và phi chính thức. Việc Bộ Công Thương cắt bỏ ngay 55% ĐKKD chứng tỏ hệ thống ĐKKD của chúng ta đang quá bất hợp lý, nếu soi kỹ chắc còn cắt được nhiều hơn nữa. Do đó, tôi đề nghị những điều kiện đang được giữ lại cũng phải rà soát, cắt bỏ thêm”, Viện trưởng Trần Đình Thiên bày tỏ.

Một mặt hàng chỉ giao một bộ chủ trì kiểm tra

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao 3 vấn đề lớn mà Bộ Công Thương làm được trong thời gian qua. Trước hết, đây là Bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tinh giản; Cùng đó, Bộ trưởng Công Thương đã trực tiếp đôn đốc, xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, tham mưu cho Thủ tướng xem cụ thể hướng xử lý từng dự án . Đồng thời, Bộ đã cắt giảm được 675 điều kiện kinh doanh. “Đây là động thái rất tích cực , giảm được bộ thủ tục KTCN danh mục hàng hóa XNK, rất đáng khen” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát theo hướng đơn giản hóa, mỗi mặt hàng chỉ chịu sự tác động, điều chỉnh của ít văn bản nhất. “Hiện đang có tình trạng, một mặt hàng phải chịu KTCN của nhiều bộ, thậm chí 1 bộ nhưng có tới 2 cơ quan cùng kiểm tra một mặt hàng. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát kỹ theo hướng 1 mặt hàng chỉ giao 1 Bộ chủ trì kiểm tra” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ đạo.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Công Thương cần thực hiện tốt một số đầu việc như: tiếp tục xử lý các dự án thua lỗ kém hiệu quả kéo dài. “Trách nhiệm của Bộ trưởng là rất lớn. Các giải pháp phương án đã trình Chính phủ và đề nghị Bộ Công Thương sớm thực hiện từng phương án cụ thể với các dự án, không thể kéo dài thua lỗ mãi được. Dự án không bán được thì phải đưa ra phương án phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Về thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tinh thần chỉ đạo, năm nay phải thoái 65.000 tỷ đồng trong khi Bộ Công Thương có nhiều dự án, Thủ tướng đã giao cho thẩm quyền cho Bộ trưởng “Bán 5% hay 10% là do Bộ trưởng quyết định, mục tiêu là thu lại lợi ích cao nhất, không được để xảy ra tiêu cực và lợi ích nhóm”, ông Dũng nhấn mạnh.

“Việc Bộ Công Thương cắt bỏ ngay được 55% ĐKKD chứng tỏ hệ thống ĐKKD của chúng ta đang quá bất hợp lý, nếu soi kỹ chắc còn cắt được nhiều hơn nữa. Ngoài ra, khi cắt bỏ nhiều thủ tục, ĐKKD thì bộ máy hành chính cũng phải cải cách, chuyển động theo”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phát biểu. 

MỚI - NÓNG