Hiệp hội Doanh nghiệp dược 'né' làm việc, vì sao?

Một buổi làm việc của Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam. Ảnh: VNPCA.
Một buổi làm việc của Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam. Ảnh: VNPCA.
TP - Trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Y tế ngày 20/9, dù Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam được gửi thư mời và gọi điện đến dự nhưng cả Chủ tịch Hội này cùng các thành viên đều “né”. Vì sao?

Trong cả ngày hôm qua 21/9, phóng viên Tiền Phong nhiều lần liên lạc với TS Nguyễn Văn Tựu- Chủ tịch Hiệp hội dược Việt Nam nhưng người này không nghe máy. Những người nằm trong Ban chấp hành và các Phó chủ tịch Hội đều thừa nhận là “họ không có thông tin” về việc được mời dự cuộc làm việc này. “Chúng tôi không biết được có thư mời vì không được thông báo”- một trong số những người ở Ban chấp hành nói.

Chuyện 7 thành viên đứng đầu Hiệp hội Dược Việt Nam, trong đó ngoài chủ tịch còn có 6 phó chủ tịch đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp dược nhưng không tham gia cuộc họp khiến nhiều doanh nghiệp dược là thành viên của Hiệp hội này băn khoăn. Một lãnh đạo công ty dược nói rằng, có thể “có lý do” nên người ta không đi mà thôi. Lý do là gì? Người này cho biết, năm 2011 sau khi 8 doanh nghiệp dược trong nước kiện Cục quản lý Dược vì “ưu ái” cho một số công ty “sân sau” và không minh bạch trong cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, thuốc... họ đã bị “trù dập” tơi tả. “Vì vậy, việc họ không tham gia trong cuộc làm việc này là có lý do”- người này nêu ý kiến của mình. Còn nhớ vào năm 2011, trong 8 doanh nghiệp dược gửi đơn khiếu kiện Cục Quản lý Dược, nhiều thành viên trong đó nằm trong Ban chấp hành Hiệp hội Dược Việt Nam, thậm chí là phó chủ tịch Hiệp hội Dược.  

Nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng cho rằng, họ vào Hiệp hội dược để “cho có” chứ ít khi tham gia các hoạt động gì, bởi thực tế sân chơi này có nhiều điều không minh bạch, “cứ ràng buộc và chồng chéo lên nhau”. Theo quy định từ hiệp hội này, để được vào thành viên của hiệp hội, doanh nghiệp phải làm đơn và đóng lệ phí 3 triệu đồng. Ngoài ra, tuỳ vào doanh nghiệp có doanh thu cao hay thấp để đóng phí hoạt động theo từng năm. “Nếu doanh nghiệp có doanh thu sản xuất kinh doanh của năm trước dưới 100 tỷ đồng thì mức đóng hội phí năm sau là 5 triệu, và cứ nhân lên gấp đôi nếu doanh thu trên 200 triệu đồng. Còn doanh thu năm trước trên 500 tỷ thì đóng phí 30 triệu đồng”- một doanh nghiệp chia sẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tựu- Chủ tịch Hiệp hội từng là Cục phó Cục Quản lý dược và nguyên là Viện phó Viện kiểm nghiệm thuốc TW.

MỚI - NÓNG