Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên chất vấn |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong chỉ đạo xử lý án tham nhũng, ngoài tập trung xử lý đối tượng vi phạm, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng thì một trong những vấn đề được quan tâm là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị hoàn thiện thể chế, để “không thể tham nhũng”.
“Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị, góp phần minh bạch với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay, nếu không sẽ bị xử lý", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Nhấn mạnh một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thể hiện rõ điều đó, Đại tướng Tô Lâm cho rằng vụ việc không nhiều nhưng để lại những bài học, kinh nghiệm phải rút ra, phải chấn chỉnh từ thông tư, nghị định, pháp luật để phòng ngừa tội phạm.
Hầu hết qua các vụ án cơ quan điều tra có kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý phòng ngừa tội phạm. Đây là nội dung sẽ được ngành Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Nêu chất vấn trước đó, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.
Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng, Bộ trưởng Công an cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp ra sao.