Chất vấn Bộ trưởng Công thương về dự án thép Cà Ná:

Bộ trưởng có dám từ chức nếu dự án gây hệ lụy?

Một đoạn đường ven biển khu vực Cà Ná (Ninh Thuận). Ảnh: Đại Dương.
Một đoạn đường ven biển khu vực Cà Ná (Ninh Thuận). Ảnh: Đại Dương.
TP - Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn ngày 15/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đối diện với hàng loạt các câu hỏi thẳng thắn, trách nhiệm mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra liên quan tới nhiều vấn đề nóng của ngành Công Thương. Đáng chú ý, có ĐBQH còn đưa ra yêu cầu “sốc” là, Bộ trưởng có dám cam kết, có dám hứa từ chức, nếu dự án thép Cà Ná sau này gây hệ lụy?

Có không lợi ích nhóm?

Đề cập đến sự cố về môi trường của 4 tỉnh miền trung do Formosa gây ra, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) khẳng định, đây là một bài học xương máu. Tuy nhiên, điều khiến bà Hiền băn khoăn là trong khi trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc Formosa chưa được làm rõ, thì Bộ Công Thương tiếp tục bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận), bất chấp sự phản đối gay gắt của dư luận, sự lo lắng, hoang mang của người dân. Các nhà khoa học cũng cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ ô nhiễm môi trường biển của dự án, không chỉ ở vùng biển Ninh Thuận mà còn ảnh hưởng các vùng biển lân cận trong đó có Khánh Hòa, Phú Yên.

Điều bất thường của dự án được bà Hiền chỉ ra là dự án không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Do đó, bà Hiền đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương hãy “trả lời thẳng, trả lời thật” với cử tri cả nước rằng, có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án? Có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án… “Việc bất chấp những phản biện khoa học, tâm huyết của các chuyên gia để cơ quan chức năng bổ sung quy hoạch dự án này có được xem là hành vi dẫn đến tội ác hay không”, bà Hiền nêu vấn đề.

“Không có lợi ích nhóm trong việc quy hoạch dự án thép Cà Ná”. 

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Không có vấn đề lợi ích nhóm. Việc xây dựng quy hoạch dự án thép Cà Ná đã được phê duyệt từ lâu do Lian cùng với Vinashines phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, vì năng lực chủ đầu tư có vấn đề nên sau đó dự án đã không được tiếp tục thực hiện, và được đưa ra khỏi quy hoạch.

Đến cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã làm việc với Ninh Thuận đề xuất đưa vào trong quy hoạch thép. Tôn Hoa Sen cũng đề nghị xin chủ trương đầu tư thực hiện dự án, với cam kết và đề xuất đảm bảo yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây mới là điều chỉnh về quy hoạch, chứ không phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt.

“Nói về địa điểm của Cà Ná, thậm chí có nhiều ý kiến nói rằng chúng ta có đánh đổi muối của Cà Ná để lấy thép hay không? Chúng tôi cho rằng, đây không phải là chuyện đánh đổi. Đây là quan điểm phát triển bền vững”, Bộ trưởng nói và cho biết, tới đây không chỉ có thép Cà Ná mà sẽ còn có dự án thép của Dung Quất nữa.

Bộ trưởng có dám từ chức nếu dự án gây hệ lụy? ảnh 1

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.

Hài lòng với phần trả lời thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhưng ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói rằng, ông không muốn có hệ lụy xảy ra với đất nước. “Chủ tịch Tôn Hoa Sen hứa trước Thủ tướng là nếu có sai phạm thì giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng. Tôi cũng đánh giá cao lời hứa này, hôm nay muốn hỏi Bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ quốc này, nhưng nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết lạc quan trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội không?”, ông Nhưỡng đề nghị.

Bộ trưởng có dám hứa rằng sẽ từ chức trước Quốc hội, nếu dự án thép Cà Ná gây hệ lụy(?)”. 

ĐB Lưu Bình Nhưỡng

Tuy nhiên, do thời gian chất vấn có hạn nên câu hỏi mà ĐB Nhưỡng nêu ra chưa được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời. Trao đổi với phóng viên, ông Nhưỡng cho rằng, nếu còn thời gian chắc chắn Bộ trưởng sẽ trả lời. “Tôi nghĩ, tôi sẽ nhận được câu trả lời của Bộ trưởng, chắc chắn là bằng văn bản”, ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, câu hỏi mà ông đặt ra là hết sức bình thường và Bộ trưởng sẽ đón nhận rất bình thường. “Mỗi một Bộ trưởng thì có một phong thái, cách xử lý riêng, có thể các bộ trưởng khác không trả lời được hoặc không trả lời, né tránh nhưng tôi không nghĩ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh né tránh”, ông Nhưỡng nói và đánh giá, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời rất tâm huyết, bản lĩnh, chân thành, nắm chắc vấn đề.

Bộ trưởng có dám từ chức nếu dự án gây hệ lụy? ảnh 2 ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Dự án thua lỗ: Đàn kền kền béo thêm

Trả lời câu hỏi của các đb về 5 dự án thua lỗ như: Đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam và các dự án xăng sinh học, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nguyên nhân là do quá trình triển khai kéo dài so với thời hạn của dự án đầu tư đã được thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh đó, thị trường nguyên nhiên liệu, thị trường hàng hóa biến động, nhất là giá dầu đã giảm từ mức 100 USD/ thùng xuống còn hơn 40USD/ thùng. Do đó, dự án đạm Ninh Bình và xơ sợi Đình Vũ không còn hiệu quả về kinh tế. Một số dự án doanh thu không bù đủ chi phí.

Về việc xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm, nếu có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. “Chúng tôi cũng xin phép trong các kỳ Quốc hội sau, được sự ủy quyền của Thủ tướng, tôi sẽ tiếp tục báo cáo cụ thể về những dự án này khi đã hoàn tất những công tác về điều tra đánh giá và xử lý dứt điểm”, ông Trần Tuấn Anh báo cáo.

Không hài lòng với phần trả lời trên, nhiều đb đã nêu câu hỏi tái chất vấn. Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) có làm rõ và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan mới tạo niềm tin cho nhân dân trong việc lập lại trật tự, kỷ cương về đầu tư công. “Dù Bộ trưởng đã giải trình nhưng chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai. Thậm chí, những dự án đầu tư càng lớn, doanh nghiệp xếp hạng càng cao thua lỗ thì những người liên quan quản lý vẫn được hưởng mức lương cao theo thang bậc lương của các doanh nghiệp xếp hạng. Thậm chí, nếu thua lỗ nhiều hơn nữa, phải bán, thanh lý tài sản thì nhiều người lại được hưởng nhiều hơn nữa, gọi là những đàn “kền kền ăn xác chết”, ĐB Văn Cường (Hà Nội) cảnh báo.

Từ đó ông Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết, những người đệ trình, thuyết minh, thẩm định dự án bị thua lỗ có trách nhiệm gì không. Vì nếu như không chỉ ra được trách nhiệm, thì trong tương lai lại vẫn còn tình trạng, những người tham gia vào quá trình đệ trình thì nhảy múa ăn mừng khi dự án được phê duyệt, và khi dự án không hoàn thành, khi dự án thua lỗ lại tiếp tục “đàn kền kền” béo thêm.

Nhắc lại những vấn đề đang tồn tại, vướng mắc và hướng xử lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đang cùng các bộ, ngành tiếp tục làm rõ và tổng hợp. Sau đó sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để báo cáo Quốc hội sau.

MỚI - NÓNG