Theo ông, có nhiều hình thái lây nhiễm rất điển hình như lây nhiễm trong khu công nghiệp và ngoài cộng đồng. Ở Bắc Giang chủ yếu lây nhiễm trong khu công nghiệp, gia tăng số mắc rất nhanh trong thời gian ngắn và lây lan ra cộng đồng. Bắc Ninh thì lây nhiễm chủ yếu ở cộng đồng nhưng bắt đầu xâm nhập, lây lan trong khu công nghiệp.
Tư lệnh ngành Y tế nhận định, khu công nghiệp có số công nhân đông, không gian làm việc kín, hẹp, nên tăng khả năng lây nhiễm. Hiện nay quản lý công nhân trong di chuyển, trong nhà trọ… là thách thức với các địa phương này nên Bộ Y tế dự báo đợt dịch này sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Bắc Giang, Bắc Ninh và thời gian sẽ kéo dài hơn trước đây.
Ngày 24/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày Việt Nam có 187 ca mắc mới, trong đó 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội. 184 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 105, Bắc Ninh 38, Hà Nội 21, Lạng Sơn 11, Hải Dương 5, Ðiện Biên 2, Ðà Nẵng và TPHCM mỗi nơi 1 bệnh nhân. Cùng ngày có 73 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Về vấn đề vắc-xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bộ đã tìm mọi cách để tiếp cận với mọi nguồn vắc-xin trên thế giới. Chúng ta cố gắng từ giờ đến cuối năm mua đủ 150 triệu liều theo quyết định của Bộ Chính trị và nghị quyết của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hiệu quả của vắc-xin hiện nay mới chỉ 6 tháng đến 1 năm nên không chỉ 2021 mà các năm tiếp theo phải đảm bảo đủ vắc-xin nên chiến lược thứ 2 là tự nghiên cứu, sản xuất, đảm bảo đủ nguồn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta đã có kế hoạch mua bản quyền, tiếp cận chuyển giao vắc-xin, liên danh, liên kết với đối với các đơn vị sản xuất vắc-xin trên thế giới để có vắc-xin sớm nhất.
Quyết định của Thủ tướng thành lập quỹ vắc-xin là mở đường cho đảm bảo tài chính cho tiếp cận vắc-xin, đảm bảo công bằng cho mọi người dân trong tiếp cận vắc xin”.