Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Giảm lãnh đạo, ưu tiên người làm chuyên môn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân Ảnh: Như Ý
TP - Trả lời chất vấn bằng văn bản mới đây của đại biểu Quốc hội về biên chế trong ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh sự cần thiết trong việc giảm biên chế gián tiếp, giảm số lượng lãnh đạo...

Ai chịu trách nhiệm?

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Cải cách hành chính là một chủ trương đúng, tạo động lực mới cho đội ngũ công chức, viên chức và toàn hệ thống chính trị. Chủ trương này góp phần giảm biên chế, phát huy sự chủ động sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, nhìn cụ thể từng ngành thì các quy định của Bộ Nội vụ, của Chính phủ còn nhiều bất cập cần nhanh chóng điều chỉnh.

Đại biểu Mai lấy ví dụ, đối với ngành giáo dục, đặc biệt ở những vùng khó khăn hiện còn thiếu hơn 70 nghìn giáo viên mầm non. Đồng nghĩa với việc mấy triệu học sinh không có người dạy hoặc không có môi trường học đảm bảo. 

“Hậu quả của việc này như thế nào, ai chịu trách nhiệm? Làm như vậy có vi phạm quyền trẻ em không? Đó là chưa kể hiện nay đã phát sinh tình trạng chỉ ký hợp đồng 9 tháng, nên các em giáo sinh thà đi làm công nhân chứ không đi dạy”, bà Mai nêu.

Trả lời chất vấn nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên các cấp học và giảng viên cơ sở giáo dục đại học công lập, làm cơ sở pháp lý để thực hiện việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Đồng thời quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập để các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm và xác định số lượng người làm việc.

Về quản lý số lượng người làm việc (biên chế sự nghiệp), theo quy định, đến hết năm 2015 thì thẩm quyền quyết định biên chế sự nghiệp của địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89, trong đó xác định rõ: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc.

Chấm dứt hợp đồng dôi dư

Căn cứ vào các nghị quyết đã ban hành, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với lĩnh vực GD&ĐT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ GD&ĐT và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, chuyển mạnh sang tự bảo đảm chi thường xuyên; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa; rà soát định mức quy định hiện hành về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và giảm biên chế gián tiếp, giảm số lượng lãnh đạo, ưu tiên số lượng người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ…

Còn đối với địa phương phải tập trung rà soát, sắp xếp lại tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập ngành GD&ĐT gắn với việc nâng cao chất lượng theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ; hình thành trường phổ thông nhiều cấp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; rà soát, điều chỉnh lại quy mô lớp học, học sinh/lớp thu gọn các điểm trường đảm bảo thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Địa phương cần thực hiện việc tuyển dụng ngay đối với số biên chế sự nghiệp được giao nhưng chưa sử dụng, trong đó ưu tiên các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng lâu năm, có năng lực, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. “Sau khi đã tuyển dụng đủ số chỉ tiêu được giao mà vẫn dôi dư thì phải thực hiện chấm dứt hợp đồng. Đối với trường hợp tuyển dụng thừa viên chức so với biên chế được giao, địa phương phải đánh giá, rà soát, thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.