Mẫu tem này có mệnh giá 100 đồng, mặt tem chia thành hai phần lớn và nhỏ cùng thể hiện bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, phần bản đồ nhỏ có với dòng chữ “Đại Nam nhất thống toàn đồ”. Ngoài lề tem có ghi dòng chữ: Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ.
Website của Bộ Thông tin- Truyền thông có nói về mẫu tem này. Theo đó, ngày 19/1/1988, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” gồm 2 mẫu, do họa sĩ Trần Lương thiết kế. Tem có khuôn khổ 43 x 32mm, bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” thể hiện hình ảnh “Đội Hoàng Sa” - hải đội dưới thời Nguyễn có nhiệm vụ đo đạc, canh giữ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cùng hình ảnh hai quần đảo này trên những bản đồ cổ Việt Nam.
Ông Điệp và mẫu tem về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Theo nghiên cứu của nhà sưu tập tem Hoàng Anh Thi (Câu lạc bộ sưu tập Viet Stamp trực thuộc Hội Tem TPHCM), bộ tem bưu chính “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” được Bưu chính Việt Nam phát hành trong hoàn cảnh Trung Quốc đang có hành động gây hấn tại Trường Sa. Việc bộ tem này được phát hành đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn của lãnh thổ đất nước bao gồm cả đất liền, các hải đảo, vùng trời và vùng biển.
Cũng theo nghiên cứu của nhà sưu tập này, mẫu tem “Hoàng Sa và Trường Sa trên các bản đồ cổ” (mẫu do ông Điệp đang lưu giữ) thể hiện hình ảnh của hai bản đồ cổ, trong đó: phần bản đồ lớn bên trái tem là bản đồ của nhà hàng hải Hà Lan Henricus Van Langren năm 1595 vẽ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hình lá cờ đuôi nheo với tên I. de Pracel; phần bản đồ nhỏ bên phải tem là bản đồ Việt Nam thời Nguyễn mang tên “Đại Nam nhất thống toàn đồ” với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông được vẽ thành một dải 29 hòn đảo với tên chung “Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa”.
Các nhà sưu tập “kỳ cựu” trong làng tem Việt Nam đều thống nhất rằng “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” là một trong những bộ tem không những đắt giá mà còn có giá trị lịch sử rất lớn, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Điệp cho biết bộ tem này trước đây do bố ông là cụ Nguyễn Đức Ruệ mua về cất giữ để gửi thư. Năm 1999 cụ Ruệ qua đời, ông Điệp sắp xếp lại giấy tờ cũ và phát hiện những
con tem này.