Bộ Tài chính nói về các vướng mắc thủ tục hải quan

Nhiều thủ tục hải quan được tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Đ.H.
Nhiều thủ tục hải quan được tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Đ.H.
TPO - Sau khi có phản ánh những vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hải quan, thuế trong chuyến “vi hành” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hồi cuối tháng 8, Bộ Tài chính đã rà soát lại chính sách pháp luật và trả lời cụ thể từng trường hợp.

Về việc kiểm tra cơ sở sản xuất đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động gia công, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

Trình tự, thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất được quy định cụ thể tại Điều 57, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính. Theo đó, cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra với nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhân lực; kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán theo dõi, quản lý nguyên liệu, sản phẩm.

Các quy định, quy trình, thủ tục về quản lý hải quan hiện nay đối với loại hình gia công cơ bản tuân thủ và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa về thủ tục hải quan theo Công ước Kyoto được hải quan thế giới áp dụng và cũng phù hợp với nguyên tắc quản lý về cơ sở sản xuất khi thực hiện Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên Bộ Tài chính xin nghiên cứu tiếp thu sửa đổi, bổ sung thực hiện cơ chế quản lý rủi ro, theo đó, chỉ kiểm tra thực tế những doanh nghiệp rủi ro cao; Khi kiểm tra, không thực hiện kiểm tra những chứng từ mà cơ quan quản lý nhà nước đã có (Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Báo cáo tài chính mà doanh nghiệp đã gửi một trong số các đơn vị thuộc Bộ Tài chính…); Thực hiện kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan, cơ quan thuế.

Về trường hợp cụ thể Công ty GE Power & Water: Công ty dự kiến thuê Công ty CP 3B (địa chỉ: Tổ 18, Long Biên, Hà Nội) gia công sản phẩm, Công ty CP 3B thông báo là không nhận gia công sản phẩm do không xuất trình được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng máy móc thiết bị do cơ sở này được thành lập từ một số tổ chức mẹ và nhận bàn giao máy móc từ tổ chức mẹ. Theo quy định, việc kiểm tra cơ sở sản xuất đối với thương nhân gia công lần đầu đã được Bộ Tài chính quy định tại Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, cụ thể “cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu), hóa đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị hoặc đối chiếu sổ kế toán để xác định (trường hợp mua trong nước), hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng (trong trường hợp đi thuê)”. Như vậy, đối với trường hợp nhận bàn giao từ công ty mẹ như phản ánh của Công ty  GE Power & Water thì được sử dụng biên bản giao nhận tài sản và được ghi nhận trong hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Về việc xuất khẩu linh kiện, vật tư phục vụ bảo hành:

Vướng mắc này liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. Để giải quyết vướng mắc này, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 2139/TCHQ-GSQL ngày 16/3/2015 trao đổi và kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ Công Thương đã có công văn số 3765/BCT-XNK ngày 17/4/2015 hướng dẫn thống nhất với kiến nghị của Tổng cục Hải quan. Như vậy, đối với hoạt động nhập khẩu linh kiện, vật tư để bảo hành đối với sản phẩm của doanh nghiệp FDI sản xuất ra được thực hiện như thông thường. Tuy nhiên, để xử lý cơ bản và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét để có sửa đổi, bổ sung quy định dẫn trên phù hợp thực tế hoạt động của doanh nghiệp FDI cũng như quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới.

Về việc thanh lý thiết bị, dụng cụ hỏng của doanh nghiệp chế xuất:

Theo Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ. “Doanh nghiệp có văn bản nêu rõ lý do thanh lý, hình thức và biện pháp thanh lý, tên gọi, lượng hàng cần thanh lý, thuộc tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu số, ngày tháng năm gửi Chi cục Hải quan quản lý DNCX”.

Quy định này nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý đúng đối tượng, đúng điều kiện được thanh lý như hết thời gian khấu hao, thu hẹp sản xuất, hư hỏng…Tuy nhiên, qua phản ánh báo nêu và để phù hợp với thực tế quản lý tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ phối hợp, kiến nghị với Bộ Công Thương để sửa đổi quy định.

MỚI - NÓNG