Hiện Bộ Tài chính mới nhận được hơn 20 bản góp ý từ các bộ, ban ngành và địa phương. Gần như các đơn vị này đều đồng ý cơ bản dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra. Những góp ý thêm chủ yếu không liên quan đến vấn đề chuyên môn (cách tính thuế TTĐB). Thay vào đó, gần như các văn bản gửi về Bộ Tài chính chỉ đề cập đến các vấn đề như hình thức văn bản, câu chữ… Có văn bản gửi tới lồng thêm đề nghị thay đổi cơ quan tiếp nhận vì đã chuyển đổi.
Chiều 28/5, trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng Chính sách Thuế Phạm Đình Thi cho hay, đơn vị đang tổng hợp ý kiến của các đơn vị. Cơ bản các đơn vị gửi về đều thống nhất đề xuất của Bộ Tài chính đưa ra trước đó.
Người đứng đầu Vụ Chính sách thuế cho biết thêm, sau cuộc gặp với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô (gồm cả sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu chính hãng) chiều 27/5, vụ này sẽ tiếp tục chỉnh sửa dự thảo. “Cơ bản sẽ đưa ra phương án trung hòa giữa các doanh nghiệp nhưng đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Thi nói. Dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình phương án cuối cùng lên Chính phủ vào tháng 6 tới.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, khả năng Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên mức giá tính thuế TTĐB đối với xe lắp ráp trong nước. Điều đó có nghĩa đề nghị chuyển từ áp giá bán buôn sang áp giá xuất xưởng của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam sẽ không được đáp ứng. Với xe nhập khẩu, bộ này sẽ áp giá bán buôn của doanh nghiệp thay vì áp giá bán tới người tiêu dùng như cách hiểu trước đó.
Khi được hỏi về phương án này, đại diện một hãng xe nhập khẩu cho biết: “Sự thay đổi này chấp nhận được. Khi đó, giá xe nhập chỉ tăng từ 2-2,5%. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh, cân đối trong quản trị nhằm không ảnh hưởng tới giá bán hiện tại”. Nếu phương án này áp dụng luôn từ đầu năm 2016, thời điểm thuế nhập khẩu giảm thêm 10%, khách hàng được hưởng xe rẻ hơn khoảng 7% so với giá hiện tại. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh thêm: “Sự giảm giá này chỉ có thể diễn ra trong trường hợp không phát sinh tăng thuế hay các loại phí khác”.