Bộ Tài chính lý giải về “Mỏ thuế lộ thiên”: Chưa thuyết phục

Các hộ kinh doanh vỉa hè được cho là mỏ thuế lộ thiên. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Các hộ kinh doanh vỉa hè được cho là mỏ thuế lộ thiên. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trong cuộc họp báo chiều 10/4 của Bộ Tài chính, những vấn đề nóng như “mỏ thuế lộ thiên”, và việc bộ này đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu gây lo ngại tăng giá đã chiếm gần hết thời gian buổi họp báo. Tuy nhiên, cách trả lời của Bộ Tài chính khiến dư luận khó hạ nhiệt…

Thất thu thuế từ hộ kinh doanh

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện hộ kinh doanh được ấn định thuế khoán hàng năm. Mức thuế khoán được cơ quan thuế khảo sát trên thực tế doanh thu của hộ kinh doanh, sau đó công khai và lấy ý kiến của hộ kinh doanh khác, cũng như Hội đồng tư vấn thuế cấp phường/xã. “Chúng tôi đã và đang có nhiều giải pháp để đảm bảo mức thuế khoán với các hộ kinh doanh công khai, minh bạch, ngăn chặn thỏa thuận giữa cơ quan thuế và hộ kinh doanh để lách thuế”, ông Trí nói.

Dù vậy, đại diện ngành thuế thừa nhận, vẫn tồn tại tình trạng thất thu thuế với hộ kinh doanh. Do các hộ kinh doanh không thực hiện sổ sách kế toán, giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, mức thuế ấn định được đưa ra dựa trên quan sát... Do đó, nhiều hộ kinh doanh quy mô như nhau, áp mức thuế bằng nhau, nhưng hiệu quả kinh doanh khác nhau, nên chưa đúng, chưa sát với doanh thu từng hộ.

“Các giải pháp hiện nay phụ thuộc nhiều vào việc giám sát lẫn nhau của các hộ kinh doanh”, ông Trí nói. Để giải quyết những hạn chế trên, đại diện ngành thuế cho biết, đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của hộ kinh doanh. Như giám sát qua việc sử dụng máy đếm tiền; tuyên truyền để người tiêu dùng quen với việc lấy hóa đơn để giám sát doanh thu hộ kinh doanh...

Đặc biệt, theo ông Trí, ngành thuế cũng nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp. Vì những hộ kinh doanh lớn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, sử dụng nhiều hóa đơn (như nhà hàng, khách sạn…) việc áp dụng thuế khoán không còn phù hợp, dễ bị lợi dụng để lách thuế.

Dù vậy, theo vị này, để chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không đơn giản, vì các hộ mất thêm chi phí quản lý, sổ sách kế toán, kê khai và nộp thuế… Vì vậy, để hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cần thêm chính sách hỗ trợ để họ thấy được lợi khi thành doanh nghiệp, như rủi ro thuế thấp hơn, hóa đơn thuế điện tử thuận lợi hơn, mở rộng thị trường… Thực ra, việc thu chi thế nào của những quán bia, trông xe vỉa hè… ai cũng biết, chỉ có ngành Thuế không nắm rõ.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra thông tin một số báo phản ánh về “mỏ thuế lộ thiên”. Khi có những hộ kinh doanh quán nhậu, sạp hàng chợ đầu mối… có doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng chỉ đóng thuế khoán vài triệu, thậm chí vài trăm nghìn đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Năm 2014, hộ kinh doanh đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 12.000 tỷ đồng, năm 2015 khoảng 13.500 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 14.700 tỷ đồng (chiếm từ 1,7% - 2% tổng nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm). Còn theo Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 4,6 triệu hộ và người kinh doanh cá thể (tính cả người bán hàng rong, trà đá, xe ôm…), đóng góp khoảng 11-13% GDP.

Bộ Tài chính lý giải về “Mỏ thuế lộ thiên”: Chưa thuyết phục ảnh 1 Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên mức 8.000 đồng/lít, gây lo ngại tăng giá nhiều mặt hàng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tìm đủ lý do tăng thuế môi trường với xăng dầu

Liên quan tới đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên mức 8.000 đồng/lít, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế cho biết: Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường là để phục vụ nhiều mục tiêu. Ví như: Chủ động với diễn biến giá xăng dầu thế giới; đảm bảo lợi ích quốc gia khi thuế nhập khẩu giảm; cân bằng mức giá xăng dầu với các nước trong khu vực; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững…

Theo ông Thi, hiện giá xăng dầu tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. So với các nước trong khu vực, giá xăng dầu Việt Nam rẻ hơn Lào 4.806 đồng/lít, rẻ hơn Campuchia 2.826 đồng/lít, rẻ hơn Thái Lan hơn 1.166 đồng/lít… Ngoài ra, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng của Việt Nam chỉ 37,2%, dầu diesel là 21,1%, trong khi các nước khu vực thuế chiếm từ 40-70% giá bán. Cùng với đó, với xu hướng thương mại tự do ngày càng phát triển, nhiều nước tăng thuế gián thu (như thuế môi trường), giảm thuế trực thu (thuế xuất - nhập khẩu). Đồng thời tăng thu nội địa, đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định.

Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện, nên cần sửa đổi. Đặc biệt, hiện khung thuế môi trường với xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, thực tế đã thu 3.000 đồng/lít. “Mức thuế môi trường với xăng dầu sắp kịch trần, nếu có biến động sẽ khó điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức từ 4.000 – 8.000 đồng/lít”, ông Thi nói. Từ những cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2017 Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, đây mới là tăng khung, còn việc tăng mức thuế bao nhiêu phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Do đó, việc tăng khung sẽ không ảnh hưởng gì tới giá xăng dầu, cuộc sống người dân, và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khi nào chính thức tăng mức thuế thực tế, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm đánh giá mức độ tác động.

Có một điều khó hiểu là khi đại diện Bộ tài chính diễn đạt rằng thuế bảo vệ môi trường không có nghĩa chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Theo đó, lý giải về việc thu nhiều - chi ít hiện nay của thuế bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi dẫn Luật Ngân sách nhà nước, và cho rằng, thuế môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước, và chi theo luật (chi đầu tư phát triển, chi bảo đảm xã hội…).  “Không có quy định nào nói thuế môi trường chỉ được chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường”, ông Thi nói.

Thống kê cho thấy, tổng thu thuế bảo vệ môi trường đạt 27.020 tỷ đồng năm 2015, chi cho môi trường chỉ 11.400 tỷ đồng; ước thu năm 2016 đạt 42.393 tỷ đồng, chi 12.290 tỷ đồng.

Theo phương án tăng khung thuế môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính xây dựng: Với xăng, khung thuế môi trường từ 3.000 - 8.000 đồng/lít (thay cho mức 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện hành), nhiên liệu bay từ 3.000 - 6.000 đồng/lít (thay mức 1.000 - 3.000 đồng/lít), dầu diezel từ 1.500 - 4.000 đồng/lít (thay mức 500 - 2.000 đồng/lít). Riêng dầu hỏa từ 300 - 2.000 đồng/lít, dầu mazut và dầu nhờn từ 900 - 4.000 đồng/lít (luật hiện hành cả 3 sản phẩm này từ 200 - 2.000 đồng/lít). Ngoài ra, còn tăng thuế môi trường với xăng sinh học, túi ni-lông, dung dịch HCFC.

MỚI - NÓNG