Bộ Tài chính lý giải về tăng khung thuế môi trường xăng dầu

TPO - Theo đại diện Bộ Tài chính, việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để phù hợp thực tế khi giá xăng dầu thế giới giảm, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu, cân đối lại nguồn thu. Đặc biệt, hiện giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

Chiều 10/4, trả lời Tiền Phong tại buổi họp báo quý I/2017 của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Việc Bộ này đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng/lít để phục vụ nhiều mục tiêu.

Ông Thi lý giải, thời gian gần đây tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, khủng hoảng kinh tế, cùng với xu hướng thương mại tự do và toàn cầu hóa… nhiều nước đã tìm cách thay đổi chính sách thuế. Theo đó, tăng thuế gián thu (như thuế môi trường), giảm thuế trực thu để tăng cạnh tranh cho hàng hóa, cải thiện môi trường đầu tư, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước nghiên cứu điều chỉnh chính sách để đảm bảo lợi ích quốc gia. Trong sử dụng các chính sách thuế nội địa, thuế môi trường là có hiệu quả và khả thi.

Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực thi, nên cần sửa đổi. Từ những cơ sở đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2017 Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Theo ông Thi, theo bảng xếp hạng 180 nước trên thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay thuộc nhóm thấp nhất thế giới, xếp 44/180 nước được xếp hạng theo giá xăng dầu từ thấp tới cao. Trong khu vực, giá xăng dầu Việt Nam rẻ hơn Lào, Camphuchia, Thái Lan, Singapore… nên việc điều chỉnh thuế là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Hiện tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng của Việt Nam là 37,2%, với dầu diesel là 21,1%...

Ngoài ra, hiện khung thuế môi trường với xăng dầu là 1-4 nghìn đồng/lít, thực tế đã thu 3 nghìn đồng/lít – sắp kịch trần. “Do mức thuế hiện tại đã sắp kịch trần, nếu trong tương lai có những biến động sẽ khó đểu điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên từ 4-8 nghìn đồng/lít”, ông Thi nói. 

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, đây mới là tăng khung, còn việc tăng mức thuế bao nhiêu phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Do đó, việc tăng khung sẽ không ảnh hưởng gì tới giá xăng dầu, cuộc sống người dân, và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu thuế bảo vệ môi trường đạt 11.160 tỷ đồng vào năm 2012, chi cho sự nghiệp môi trường chỉ 9.000 tỷ đồng; thu tăng mạnh lên 27.020 tỷ đồng năm 2015, nhưng chi cũng chỉ 11.400 tỷ đồng; ước thu năm 2016 đạt 42.393 tỷ đồng, nhưng chi chỉ 12.290 tỷ đồng.

Trả lời về việc thu nhiều – chi ít này, ông Phạm Đình Thi dẫn Luật Ngân sách nhà nước (có hiệu lực từ 1/1/2017), và cho rằng, thuế môi trường là khoản thu của ngân sách nhà nước, và chi theo luật. Không có quy định nào nói thuế môi trường chỉ chi cho sự nghiệp môi trường. 

Tuy vậy, ngoài khoản chi hàng năm cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, ngân sách còn chi các khoản đầu tư phát triển khác và qua đó gián tiếp bảo vệ môi trường. Ông Thi dẫn chứng, như đường bụi bặm, được ngân sách chi đầu tư mới sạch đẹp hơn; hay ngân sách chi đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại Hà Nội và TPHCM… “Những dự án đầu tư này không tính là chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường, nhưng vẫn góp phần bảo vệ môi trường”, ông Thi nói.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, không hẳn tăng khung thuế môi trường để bù hụt thu ngân sách, mà để phù hợp với các quy định hiện tại, phù hợp với thực tế giá dầu biến động, bảo vệ lợi ích quốc gia.

MỚI - NÓNG