Bộ Tài chính: 'Không nên nhượng quyền sân bay cho hãng hàng không'

Sân bay Phú Quốc nhiều khả năng là cảng hàng không đầu tiên được nhượng quyền khai thác. Ảnh: ACV
Sân bay Phú Quốc nhiều khả năng là cảng hàng không đầu tiên được nhượng quyền khai thác. Ảnh: ACV
Đồng ý về chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không, song Bộ Tài chính cho rằng việc nhượng quyền khai thác cho các hãng bay có thể dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý với Chính phủ về chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không của Bộ Giao thông vận tải. Dù đồng ý về chủ trương xã hội hóa đầu tư, song theo cơ quan này, cần có đề án với lộ trình thực hiện cụ thể, các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cũng phải được rà soát chặt chẽ.

“Không nên chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay cho các hãng vận chuyển hàng không vì có thể tạo nên cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Cho ý kiến trực tiếp về việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc cho nhà đầu tư trong nước, Bộ Tài chính lưu ý hai vấn đề: Thứ nhất, việc sử dụng khoản thu từ nhượng quyền khai thác có được dùng xây Long Thành hay không sẽ do đại hội cổ đông Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) - đơn vị đang quản lý khai thác tại đây - quyết định. Nhà nước không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.

Theo Bộ Tài chính, báo cáo của Bộ Giao thông cho biết Cảng hàng không Phú Quốc được thực hiện bằng nguồn vốn của ACV. Do vậy, ngay cả khi Thủ tướng đồng ý thí điểm nhượng quyền sân bay này, thì việc sử dụng nguồn tiền thu được sẽ do đại hội cổ đông ACV quyết định.

Trước đó, lãnh đạo ngành giao thông khẳng định, tiền chuyển nhượng sân bay Phú Quốc sẽ được góp vào nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng siêu dự án này.

Cơ quan này chỉ rõ, do ACV đã hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp và đang thực hiện các bước để cổ phần hóa. Trong đó, giá trị của ACV bao gồm cả cả 22 cảng hàng không – sân bay mà doanh nghiệp đang quản lý, trong đó có Phú Quốc.

Ngoài vấn đề nêu trên, cơ quan quản lý ngân sách cũng cho rằng, sân bay Phú Quốc không thuộc đối tượng thực hiện theo Nghị định 128 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, cũng như phương thức chuyển nhượng theo hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M) của Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà Bộ Giao thông đề xuất.

“Do vậy, Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ việc tách hay không tách giá trị Cảng hàng không Phú Quốc khi báo cáo Thủ tướng quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV”, Bộ Tài chính đề nghị.

Đến nay, việc giành quyền khai thác sân bay Phú Quốc đang là cuộc đua giữa hai đại gia ngoài ngành hàng không là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển và Tập đoàn Liên Thái Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức O&M cho các nhà đầu tư trong nước. Giá trị nhượng quyền sẽ được dùng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong khi đó, nhà ga T1 Nội Bài đang là sự cạnh tranh giữa hai hãng hàng không nội: Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.