Bộ Tài chính chuyển SCIC về 'siêu ủy ban’

TPO - Trong số 19 doanh nghiệp chuyển giao về Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, SCIC là doanh nghiệp có chức năng đặc biệt,  thực hiện đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại DN còn lại không thuộc diện bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn NN tại các DN

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, theo phân công của Chính phủ, thời gian qua Bộ đã thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Trong hơn 12 năm qua kể từ khi đi vào hoạt động, SCIC đã hình thành một tổ chức kinh tế để triển khai một trong những chủ trương quan trọng của Đảng về đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình DN.

SCIC đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ để tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa và cơ cấu lại vốn nhà nước (NN), tập trung vốn NN để đáp ứng nhiệm vụ đầu tư theo định hướng của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính chuyển SCIC về 'siêu ủy ban’ ảnh 1

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ký biên bản bàn giao SCIC về "Siêu Ủy ban". Ảnh: Tuấn Nguyễn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, SCIC được xem là một trong những Tổng công ty đi đầu với công tác tổ chức thoái vốn chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao tại các DN trong danh mục NN không cần nắm giữ hoặc chi phối.    

Ngoài ra, SCIC cũng đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn NN tại các DN sau khi tiếp nhận. Cơ chế người đại diện phần vốn NN triển khai tại tất cả các DN đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn NN tại các DN.  

Đến nay, SCIC đã xây dựng đội ngũ trên 250 cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên môn cao. Đặc thù của SCIC là hệ thống người đại diện chuyên trách tại các DN để quản lý chặt chẽ phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hoạt động của SCIC còn gặp một số khó khăn như: việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN còn chậm, qui mô hạn chế;

Vai trò đại diện chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn do đa số DN khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết, một số DN tiếp nhận hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước phải xử lý;

Các DN tiếp nhận hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên việc tham gia quản trị, điều hành tại DN cũng có khó khăn nhất định; công tác thoái vốn, cổ phần hóa còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nhà đầu tư và tình hình thị trường tài chính, chứng khoán…

“Mặc dù còn một số tồn tại nhất định nhưng hoạt động của SCIC thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bước đầu thực hiện được các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế quản lý vốn NN tại DN, cơ cấu lại nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NN để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

6 nhiệm vụ quan trọng

Để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, củng cố mô hình và năng lực hoạt động để SCIC thực hiện vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ để đầu tư vào những dự án, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục làm đầu mối thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu NN tại các DN sau cổ phần hóa.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn NN tại các DN theo lộ trình kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ba là, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc triển khai bàn giao, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn NN tại các DN thuộc đối tượng bàn giao về SCIC theo quy định.

Bốn là, nâng cao hiệu quả quản trị DN và vai trò cổ đông NN tại DN thông qua việc áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị DN tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung thực hiện tốt vai trò cổ đông NN tại một số DN có quy mô lớn, hiệu quả cao và nắm giữ vốn chi phối.

Năm là, đẩy mạnh mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh vốn với định hướng rõ nét hơn, tập trung vào những các lĩnh vực trọng yếu và có triển vọng lâu dài; đồng thời nghiên cứu từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính, mua bán sáp nhập DN.  

Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ chế để nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của Người đại diện; mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Tổng công ty trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nghị quyết về thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

“Với các giải pháp trên, sau khi chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cùng với nỗ lực của SCIC cũng như sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương thì SCIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN theo chủ trương của Đảng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, ngày 9/11, Thủ tướng đã ký Quyết định 1515 ban hành quy chế trình tự , thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các DN về Ủy ban. Sau khi Nghị định 131 có hiệu lực, Ủy ban đã cùng với Bộ Tài chính phối hợp thống kê, rà soát và thống nhất hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đối với SCIC về Ủy ban.

“Một điều rất quan trọng là khi thực hiện nhiệm vụ được giao, với điều kiện bộ máy hạn chế, Bộ Tài chính và SCIC đã hỗ trợ tích cực cho Ủy ban thời gian qua, để chuẩn bị đủ điều kiện cho Ủy ban hoạt động sau khi có Nghị định của Chính phủ.

SCIC đã tăng cường lực lượng giúp đỡ Ủy ban chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng nhận chuyển giao các DN từ các bộ ngành về Ủy ban.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng cho hay, trong tuần này, Ủy ban sẽ tiếp tục nhận bàn giao từ Bộ Giao thông, Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong số 19 DN chuyển giao về UB, SCIC là DN có chức năng đặc biệt,  thực hiện đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại DN còn lại không thuộc diện bộ, ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu. Do đó, SCIC có vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại DN.

Sau khi tiếp nhận SCIC, UB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để chỉ đạo SCIC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, vai trò, nhiệm vụ được giao, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các DN thành viên theo phương án đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Đề nghị tập thể SCIC đồng sức đồng lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh kết luận.

MỚI - NÓNG
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
Nhận định Man City vs MU, 23h30 ngày 15/12: Cơ hội cho Quỷ đỏ
TPO - Nhận định bóng đá Man City vs MU, vòng 16 Ngoại hạng Anh 2024/25 lúc 23h30 ngày 15/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Man City đang suy yếu, mang đến cơ hội tuyệt vời để MU tạo ra sự khác biệt sau những kết quả nghèo nàn ở các trận derby Manchester trước.
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
Pep đáp trả tin đồn thất thiệt trước trận derby Manchester
TPO - Pep Guardiola khẳng định ông "không đánh mất phòng thay đồ" tại Manchester City. Ông tuyên bố rằng ngay khi cảm nhận được các học trò không ủng hộ mình, vị HLV này sẽ rời đi ngay lập tức. Đây là thông điệp đanh thép của Pep nhằm phủ nhận những mâu thuẫn nội bộ tại Man City.