'Siêu ủy ban' quản lý triệu tỷ đồng có thêm Phó Chủ tịch

Ông Hồ Sỹ Hùng vừa được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UB quản lý vốn nhà nước tại DN.
Ông Hồ Sỹ Hùng vừa được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UB quản lý vốn nhà nước tại DN.
TPO - Theo Quyết định 1329/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt UB).

Đây là lãnh đạo thứ 3 được bổ nhiệm sau khi UB được thành lập. Theo quy định, lãnh đạo Ủy ban gồm Chủ tịch và 4 phó Chủ tịch. Hiện nay, UB đã có Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh và  2 Phó chủ tịch do bà Nguyễn Thị Phú Hà và ông Hồ Sỹ Hùng đảm nhiệm.

Ông Hồ Sỹ Hùng sinh năm 1968, nguyên quán tại Nghệ An. Ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, quản lý và kế hoạch hóa kinh tế quốc dân tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (1996). Trước khi về công tác tại Bộ KH&ĐT, ông Hùng từng công tác tại Liên hiệp các xí nghiệp cơ khí Lâm nghiệp (nay là Tổng Công ty Lâm nghiệp) và Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.

Ngoài bộ máy lãnh đạo, UB đã tuyển dụng được 50 nhân sự. Dự kiến năm 2019 sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng đáp ứng khối lượng công việc đề ra. Đồng thời, Ủy ban cũng đã xây dựng và đang tiếp tục kiện toàn đồng bộ công tác Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên theo đúng quy định.

UB đã và đang chuẩn bị nhận chuyển giao và quản lý vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty với vốn chủ sở hữu gần 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng (theo giá trị sổ sách đến ngày 31/12/2017), chiếm 2/3 tổng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.

UB có quyền quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của DN, trừ các DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho DN theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Trước đó, phát biểu tại lễ ra mắt UB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong lúc bàn giao hồ sơ, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bộ ngành không được để xảy ra khoảng trống pháp lý, tránh phức tạp. Cơ quan chức năng phải công khai, minh bạch trong hoạt động DN, tránh thất thoát lãng phí, tham nhũng.

Danh sách 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về UB gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Về các nhân sự khác của cơ quan này, hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đồng ý chủ trương, cho thực hiện quy trình tiếp nhận và bổ nhiệm ông Đỗ Hữu Huy, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) dự kiến giữ chức vụ Chánh Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG