Ngày 22/4, Bộ trưởng NN&PTNT có công điện khẩn đề nghị các tỉnh, thành trong cả nước triển khai các giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Những ngày gần đây, cháy rừng đã xảy ra tại một số nơi ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bà Rịa Vũng Tàu… Theo dự báo, nắng nóng còn kéo dài trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng NN&PTNT đề nghị các địa phương đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra ở những khu vực nguy cơ cháy rừng cao.
Kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa, phát hiện kịp thời điểm cháy, huy động các lực lượng dập tắt ngay, không để xảy ra cháy lớn.
Cùng đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cảnh báo số khu vực có nguy cơ cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm): Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Các địa phương cảnh báo ở cấp IV (rất nguy hiểm): Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Cục Kiểm lâm đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương có cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm), cấp V (cực kỳ nguy hiểm) thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Ngoài ra, theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ đầu năm đến ngày 18/4, cả nước đã phát hiện 3.151 vụ vi phạm, giảm 1.076 vụ (tương ứng giảm 25%) so với 4 tháng năm 2018. Diện tích rừng bị thiệt hại 192 ha, giảm 58 ha (tương ứng giảm 23%) so với cùng kỳ năm ngoái.