Bổ nhiệm Vụ phó 26 tuổi: 'Đúng quy trình' nhưng không sử dụng

Trụ sở và nhà khách của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ảnh: Ngọc Duyên
Trụ sở và nhà khách của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ảnh: Ngọc Duyên
TP - Việc bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Vũ Minh Hoàng ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ được khẳng định “đúng quy trình” đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Quyết định số 824-QĐ/BCĐTNB của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ bổ nhiệm ông Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ký ngày 15/1/2016. Quyết định số 02-QĐ/BCĐTNB chấp thuận cho ông Hoàng chuyển công tác về UBND thành phố Cần Thơ ký ngày 17/2/2016. Hai quyết định cách nhau 34 ngày, còn ông Hoàng vẫn đang học ở Nhật Bản.

Thời gian đó, chịu trách nhiệm chính về các quyết định là Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang. Ông Quang giải thích, do nhu cầu của Cần Thơ nên cho ông Hoàng chuyển công tác và Cần Thơ cũng như ông Hoàng muốn được bố trí chức vụ tương xứng với trình độ nên bổ nhiệm Phó vụ trưởng cho ông Hoàng. Phóng viên hỏi, tại sao không để Cần Thơ bổ nhiệm chức vụ cho ông Hoàng sau khi tiếp nhận để sử dụng, mà Ban Chỉ đạo phải làm thay? Ông Quang không trả lời, chỉ khẳng định việc bổ nhiệm là “đúng quy trình”.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ba cho rằng, việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ là “đúng quy trình” vì ông Hoàng hàm Phó vụ trưởng ở Ban Chỉ đạo, về Cần Thơ phiên ngang. “Còn việc bổ nhiệm Phó vụ trưởng cho ông Hoàng như thế nào là của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tôi không biết”,
ông Ba nói.

Ông Quang nói rằng, ông Hoàng có người chú là đại tá Vũ Quốc Tuấn từng làm Phó vụ trưởng Vụ An ninh-Quốc phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ông Hoàng giỏi nhiều ngoại ngữ, đã phục vụ tốt các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sang Nhật Bản và Hà Lan. Gia đình ông Hoàng làm kinh doanh, có đóng góp xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và đình Tân An ở Cần Thơ.

Ông Quang nói rằng, vì việc chung và sự phát triển của ĐBSCL nên nóng lòng kéo người giỏi về, chứ chức vụ ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ ít người muốn làm. Trong vụ này, Ban Chỉ đạo không tư túi gì cả, ông nói. Phóng viên đặt thẳng vấn đề, Ban Chỉ đạo không phải nơi ai cũng muốn về công tác nhưng lại có hàm to: Hàm Phó ban Thường trực tương đương hàm bộ trưởng; còn cấp vụ ở Ban Chỉ đạo tương đương cấp sở ở các tỉnh, thành phố, phấn đấu cả đời chưa chắc đạt được. Ông Quang đồng ý nhưng vẫn khẳng định, việc bổ nhiệm Phó vụ trưởng cho ông Hoàng là “đúng quy trình”, vì được lấy ý kiến từ chi bộ và Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Ngày 1/8/2014, ông Hoàng chính thức được tuyển dụng vào Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Ngày 8/9/2014, ông có đơn xin du học nước ngoài. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo ra quyết định chấp thuận. Khi ông đang học ở nước ngoài, ngày 14/1/2016, Ban Chỉ đạo có thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất điều động và bổ nhiệm ông Hoàng. Trong ngày 14/1/2016, Chi ủy Chi bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo họp lấy ý kiến và Văn phòng Ban Chỉ đạo có tờ trình về việc bổ nhiệm. Một ngày sau, Ban Chỉ đạo ra quyết định bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế cho ông Hoàng. Hơn tháng sau, ngày 17/2/2016, UBND thành phố Cần Thơ có công văn “xin người” và Ban Chỉ đạo ra quyết định cho ông Hoàng chuyển công tác. Ông Hoàng không có thời gian làm việc cho Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong khi theo quy định thì ít nhất phải “hoàn thành tốt nhiệm vụ” mới được xem xét bổ nhiệm.

Ông Quang nói rằng, dù đi học nhưng ông Hoàng vẫn tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại tại Nhật Bản. Còn việc Ban Chỉ đạo ra quyết định cho ông Hoàng chuyển công tác cùng ngày ký công văn “xin người” của Cần Thơ là “lỗi kỹ thuật văn phòng”.

Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24/1/2014, của Bộ Chính trị “về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” quy định khá cụ thể việc tuyển dụng và bổ nhiệm trường hợp như ông Vũ Minh Hoàng. Theo đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ được quyền tuyển dụng trực tiếp ông Hoàng mà không phải qua thi tuyển, và tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác cho ông “trong 3 tháng”. Còn bổ nhiệm: “Xuất phát từ nhu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và căn cứ kết quả công tác, sau tuyển dụng từ 1 đến 2 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên (theo phân cấp), kể cả cán bộ đó chưa là đảng viên”.

MỚI - NÓNG